Mark Damisch: Piano Recital | Giới thiệu tác phẩm
31/07/2024Beethoven Piano Sonatas Cycle: Recital IX “MOONLIGHT” (23.08.2024)
08/08/2024GIỚI THIỆU TÁC PHẨM
Pianist: Nguyễn Đức Anh
Cuộc khủng hoảng điếc có ảnh hưởng mạnh đến khả năng đối diện với thế giới xung quanh của Beethoven, nhưng đồng thời, ông cũng đã tìm ra cách để bảo vệ thế giới sáng tạo bên trong khỏi những xâm phạm từ thế giới bên ngoài.
Có lẽ bệnh điếc đã cho Beethoven cách để chuyển hóa những nỗi đau mất mát, thiếu thốn tình yêu thương, để ông không còn biểu hiện nó bắng sự giận lẫy với người khác nữa mà biểu hiện bằng âm nhạc trong một thế giới cô đơn riêng mình.
Sonata cho piano số 7, giọng Rê trưởng, Op. 10, Số 3 (1798)
Piano Sonata No. 7 in D major, Op. 10, No. 3 (1798)
I - Presto (D major)
II - Largo e mesto (D minor)
III - Menuetto: Allegro (D major)
IV - Rondo: Allegro (D major)
Sonata cho piano số 7, giọng Rê trưởng, Op. 10, Số 3 của Ludig van Beethoven được xuất bản vào tháng 9 năm 1798 và được đề tặng cho nữ bá tước Anne Margarete von Browne, một nhà bảo trợ của Beethoven. Tương tự như Op. 1 và Op. 2, Op. 10 cũng là một bộ ba gồm ba bản sonata, đặc trưng bởi sự tương phản mạnh mẽ với nhau về giọng điệu, theo thứ tự là Đô thứ, Fa trưởng và Rê trưởng. Trong đó, sonata số 7 - Op. 10 số 3 là bản có quy mô lớn nhất và mạnh mẽ nhất trong bộ ba này.
Trong tác phẩm này, Beethoven trở lại với cấu trúc sonata bốn chương giống như bốn bản sonata đầu tiên của mình. Chương một vui tươi với tốc độ nhanh “Presto”, mặc dù có vẻ giản đơn nhưng lại chứa đựng yếu tố phá cách khi ông cho phần tay trái chạy đến tận nốt E1 cực thấp và F#6 trên cao, vốn là những nốt nhạc không tồn tại trên đàn phím hạn chế của thời đó. Bàn phím piano xấp xỉ tám quãng tám của chúng ta ngày nay cho phép chơi được những nốt nhạc này một cách dễ dàng. Chương hai ở tốc độ chậm với giọng Rê thứ tạo ra một sự đối lập cao độ với chương một. Được ghi chú thích là “Largo e mesto” (rất chậm và tang tóc), chương này gợi ra trạng thái tinh thần u sầu, tang thương, tuyệt vọng vì cách dùng từ “mesto” một cách bất thường. Các chương piano sonata chậm “Largo” của ông chưa có chương nào ở giọng thứ, cũng như chạm đến tận sâu cảm xúc như chương nhạc này. Chương nhạc khiến ta nhớ đến khả năng ứng tấu trên đàn phím của Beethoven làm khán giả xúc động đến rơi lệ. Chương ba Menuetto ở giọng Rê trưởng xuất hiện như một sự xoa dịu nỗi buồn tang thương của chương hai. Chương kết Rondo mang lại cảm giác như một sự phát triển liên tục. Mặc dù có kết cấu hết sức chặt chẽ, được phát triển từ một chủ đề chính, nhưng tổng thể lại mang cảm giác gần như ngẫu hứng.
Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc | Nguồn: Sách “Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời” (2005)
Sonata cho piano số 14, giọng Đô thăng thứ, Op. 27, Số 2 “Quasi una fantasia” (1801)
Piano Sonata No. 14 in C-sharp minor, Op. 27, No. 2 “Quasi una fantasia” (1801)
I - Adagio sostenuto (C-sharp minor)
II - Allegretto (D-flat major - enharmonic equivalent of C# major)
III - Presto agitato (C-sharp minor)
Bản sonata dành cho piano số 14, giọng Đô thăng thứ, Op. 27 Số 2 “Quasi una fantasia” có thể được xem là tác phẩm âm nhạc vĩ đại phổ biến nhất thế giới. Tác phẩm được hoàn thành năm 1801 và xuất bản năm 1802 với lời đề tặng dành cho người học trò của ông là Nữ bá tước Julie "Giulietta" Guicciardi. Mặc dù được biết đến trên toàn thế giới với tên gọi “Moonlight Sonata” (Bản Sonata Ánh Trăng), nhưng đó không phải là tên chính thức do Beethoven đặt. Tên gọi này rất có thể chỉ trở nên phổ biến một thời gian dài sau khi Beethoven qua đời.
Chương một là một trong những tác phẩm hiếm hoi, mà, tương tự như phần lớn âm nhạc của J. S. Bach, có thể mang lại cảm xúc rất khác nhau tùy thuộc vào cách người nghệ sĩ diễn đạt nó. Nó có thể buồn thảm, u sâu, trữ tình hay lãng mạn; Nhưng, dù diễn đạt bằng cách nào, chương nhạc vẫn luôn mang một vẻ đẹp hoàn mỹ. Những quan điểm tranh luận về cách diễn tấu chương này cũng rất đa dạng: Liệu nốt móc kép trên nền nhịp ba có nên được chơi chuẩn xác tuyệt đối? Liệu có nên giữ sustain pedal liên tục như Beethoven đã chỉ định? Hay là nên dùng nửa pedal thôi? Hay là nên dùng sostenuto pedal? Hay là đổi pedal trễ? Liệu có nên chơi với tốc độ Adagio trên nhịp 2/2 chính xác như được ghi trên bản nhạc, khiến nó nhanh hơn nhiều so với phần lớn cách diễn tấu của ngày nay hay không? Về mặt cấu trúc, chương này không hoàn toàn được viết theo cấu trúc sonata. Âm nhạc của nó được triển khai dần dần, với các giai điệu được nối tiếp với nhau một cách liên tục, không phân chia rõ ràng về tính chất, khiến tổng thể nghe như một bản fantasy trên một quy mô lớn.
Chương hai mang một tính chất nhẹ nhàng, hài hước với những ô nhịp được xây dựng trên một motif lặp đi lặp lại. Được viết ở giọng Rê giáng trưởng, vốn chính là giọng cùng tên với Đô thăng trưởng, chương này, giống như một khoảng lặng yên bình trước khi sự kịch tính của giọng Đô thăng thứ trở lại ở chương ba. Chương cuối cùng là trọng tâm của toàn bộ tác phẩm này. Nó duy trì trang thái cao trào trong toàn bộ diễn biến, nhưng lại hiếm khi đạt đến cường độ fortissimo (cực mạnh). Rõ ràng, Beethoven đã dần dần chuyển trọng tâm trong các bản sonata của mình từ chương đầu sang chương cuối. Phần lớn sự mạnh mẽ của chương này đến từ nhịp điệu nhanh, dai dẳng suốt toàn bộ chương. Có lẽ, đó là lý do tại sao những người chơi nhạc rock metal lại rất yêu thích chương này và đã có rất nhiều bản chơi lại theo phong cách rock, sử dụng guitar điện, phổ biến trên internet ngày nay.
Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc | Nguồn: Sách “Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời” (2005)
Sonata cho piano số 9, giọng Mi trưởng, Op. 14, Số 1 (1798)
Piano Sonata No. 9 in E major, Op. 14, No. 1 (1798)
I - Allegro (E major)
II - Allegretto (E minor with a trio in C major)
III - Rondo – Allegro comodo (E major)
Bản sonata cho piano số 9, giọng Mi trưởng, Op. 14 số 1 được Ludwig van Beethoven sáng tác năm 1978 dành tặng cho nữ nam tước Josefa von Braun, một trong những nhà bảo trợ của ông ở thời điểm đó. Đây là tác phẩm thuộc về giai đoạn sáng tác đầu tiên của Beethoven.
Điều thú vị là chính Beethoven đã chuyển soạn bản sonata này thành một tứ tấu dây vào năm 1802. Ông đã chuyển giọng của nó sang Fa trưởng, để tận dụng tốt hơn các dây buông trên đàn viola và cello. Trong một lá thư gửi nhà xuất bản Breitkopf & Hartel, ông đã tự hào tuyên bố rằng chỉ có chính tác giả mới có thể tạo ra một bản chuyển soạn đích thực cho tác phẩm của mình một cách hợp lý. Ông cũng khẳng định rằng, chỉ có Mozart và Haydn mới có thể chuyển soạn các tác phẩm cho đàn phím của mình sang các nhạc cụ khác; Và dù không mong so sánh bản thân với hai con người vĩ đại này, ông cũng tự yêu cầu tương tự với các sonata đàn phím của mình.
Chương một của tác phẩm là một ví dụ điển hình cho phong cách của Beethoven: chủ đề chính bắt đầu với các quãng 4 đi lên liên tục trên nền nốt Mi trì tục, nối tiếp là các đoạn thang âm đi liền bậc ngược trở xuống. Trong khi đó, chủ đề phụ lại bắt đầu bằng các nốt nửa cung đi xuống rồi đi lên. Thật phi thường khi Beethoven tạo ra biết bao nhiêu sự kịch tính chỉ với những chất liệu đơn giản như vậy. Chương hai ở giọng Mi thứ, nằm giữa chương một và chương ba cùng ở giọng Mi trưởng, tạo ra sự cân đối, vững chãi cho tổng thể bản sonata. Chương ba cũng là một ví dụ hay trong việc phát triển chủ đề chính của một bản rondo ở mỗi lần lặp lại. Trong chương này, mỗi lần chủ đề chính xuất hiện trở lại, Beethoven đều chuyển sang những giọng khác nhau và có những nét phát triển mới mẻ chứ không chỉ là sự lặp lại đơn thuần.
Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc | Nguồn: Sách “Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời” (2005)
Sonata cho piano số 32, giọng Đô thứ, Op. 111 (1821-22)
Piano Sonata No. 32 in C minor, Op. 111 (1821-22)
I - Maestoso – Allegro con brio ed appassionato (C minor)
II - Arietta: Adagio molto semplice e cantabile (C minor)
Bản sonata cho piano số 32, giọng Đô thứ, Op. 111 là bản piano sonata cuối cùng của Ludwig van Beethoven, được sáng tác giữa hai năm 1821 và 1822, dành tặng cho người bạn, người học trò cũng như nhà bảo trợ của ông Archduke Rudolf.
Tác phẩm chỉ bao gồm hai chương có tính chất tương phản, đối nghịch với nhau. Theo các tài liệu nghiên cứu, đã có nhiều lá thư từ các nhà xuất bản gửi đến cho Beethoven để hỏi về lý do ông không viết chương ba cho tác phẩm, và có một lần Beethoven đã hồi đáp rằng ông không có thời gian cho một câu trả lời. Việc không có bằng chứng về một bản phác thảo, hay thậm chí đoạn tốc ký nào cho một chương ba tiềm năng có thể cho thấy ý định của Beethoven là chỉ định chương hai chính là chương kết của tác phẩm.
Cũng như các tác phẩm khác ở thời kỳ cuối của Beethoven, sonata số 32 chứa rất nhiều yếu tố phức điệu. Thậm chí, ở giai đoạn sơ bộ của quá trình sáng tác tác phẩm này, Beethoven đã cân nhắc viết hết chương một là một fugue, dựa trên một chủ đề mà ông phác thảo đầu năm 1801 khi đang thực hiện Sonata violin Op. 30. Ông thậm chí đã viết ra một phần trình bày fugue đầy đủ. Điều này thể hiện tầm quan trọng bậc nhất của tư duy phức điệu, đối vị trong những bản piano sonata cuối đời của ông. Phần mở đầu của chương một dường như cũng chỉ xuất hiện trong dàn ý tác phẩm khi mà Beethoven đã từ bỏ ý định viết toàn bộ chương này theo dạng fugue và quay về cấu trúc sonata. Có những dấu hiệu cho thấy ông đã dự tính cho phần này xuất hiện ở cuối phần phát triển, và đưa nó trở lại vào cuối chương hai. Những điều này cho thấy tư duy cấu trúc của Beethoven trong việc vạch ra những dàn ý lớn cho các tác phẩm cuối đời của mình.
Chương hai Arietta thật sự là một chương bao gồm các biến tấu được phát triển từ một chủ đề tốc độ chậm, chứ không phải là một chương chậm mà thiếu một chương tiếp theo. Chỉ dẫn của Beethoven cho chương này là “Adagio molto semplice e cantabile”, có nghĩa là “Tốc độ chậm, chơi thật giản dị và có phong cách ca xướng”. Tất cả các biến tấu đều bám sát đường nét đặc trưng của chủ đề chính. Ở đoạn kết của chương này, giai điệu chính được kết hợp với phần đệm gồm những nốt ở âm vực cao vút, nhẹ nhàng, bay bổng, để rồi sau đó giai điệu chính trở lại ở âm vực thấp, tạo thành một cái kết lặng lẽ, thanh thản. Ta có cảm tưởng rằng một trải nghiệm âm nhạc vĩ đại của một nghệ sĩ vĩ đại nhất đã đi đến hồi kết. Trong sổ tay của mình, đầu tháng 2 năm 1820, Beethoven đã trích dẫn Kant: “Bầu trời đầy sao trên đầu tôi và luật luân lý ở trong tôi. Kant!!!”. Đó chính là tinh thần của một con người trần thế, dễ dàng bị ảnh hưởng và tổn thương, nhưng luôn cố gắng giữ vững đạo đức, nhân phẩm của mình, và thu thập sức mạnh để làm một nghệ sĩ phấn đấu lên thiên đàn. Đó là sự kết nối mà chúng ta cảm nhận được ở hành trình của piano sonata số 32.
Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc | Nguồn: Sách “Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời” (2005)