Piano Duets & Concertos | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
Winterreise – Đường vào sương tuyết (18.02.2023)
02/02/2023
Piano Duets & Concertos (22.4.2023)
13/04/2023

Piano Duets & Concertos | Giới thiệu tác phẩm

GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH & TÁC PHẨM

Trong bức tranh của Johann Nepomuk della Croce, ta có thể thấy khắc họa gia đình Mozart từ khoảng năm 1780, trong đó nhà soạn nhạc thiên tài và người chị Nannerl (tức Maria Anna) đang bắt chéo tay trên phím, ông Leopold nâng cây vĩ cầm bên cạnh, còn trên tường là bức chân dung người mẹ vừa qua đời. (hình) 

Phần lời tựa quyển Âm nhạc Sáng tác cho hơn một Piano (Kèm Chú giải) của Maurice Hinson cho hay: âm nhạc sáng tác cho từ hai nhạc cụ phím trở lên khởi đầu chí ít từ tác phẩm “Viết cho hai Đàn Virginal” của tác giả Giles Farnaby (1560-1620). Quá trình  phát triển của loại hình hòa xướng các nhạc cụ dương cầm từ giai đoạn tiền thân đến nay được góp công bởi Bernardo Pasquini, J. S. Bach (cùng ba con trai ông), Clementi, Mozart, Liszt, Brahms, Busoni, đến các nhà soạn nhạc thế kỷ 20, như Stravinsky hay Prokofiev, cho tới tận ngày nay khi các nhà soạn nhạc đương đại không ngừng tìm kiếm các biểu năng và âm sắc mới hơn nữa cho các tổ hợp nhạc cụ trình tấu. Sách cũng dẫn, không ít tác phẩm viết cho hai piano từ thập niên 40 thế kỷ 20 đến nay được viết dành riêng cho hai cây piano, theo “đặt hàng” hẳn hoi, đến độ định nghĩa “pianistic” (thuộc về đặc trưng của dương cầm) ngày càng có trường nghĩa thênh thang hơn, đến từ những nguồn âm thanh xung quanh món nhạc cụ, và các tư thế biểu diễn sáng tạo của người nghệ sĩ - đơn lẫn đôi. Việc thưởng thức không còn dừng lại ở sự chăm chú nhắm mắt lắng nghe, mà còn ở sự say sưa chiêm ngưỡng các tương tác ngay trước mắt, một nét thu hút thứ hai bên cạnh bản thân tác phẩm. 

Chương trình Piano Duets & Concertos mong muốn mang niềm hứng khởi và khoái cảm của loại hình song tấu piano đến với người yêu nhạc. Ở đây, “piano duet” là các bản nhạc cho hai người chơi trên cùng một cây dương cầm, mà còn được gọi là “piano bốn tay”. Và “piano concerto” là  tác phẩm piano độc tấu, trình diễn cùng dàn nhạc, được chuyển soạn thành tác phẩm cho 2 piano, mỗi cây được chơi bởi một nghệ sĩ. Xuyên suốt tối nay là sự luân phiên uốn lượn của các bản duet và concerto dưới ngón tay điêu luyện của các nghệ sĩ. 

Thể loại concerto viết cho piano và dàn nhạc, thông thường, phần dàn nhạc có thể nói như làm nền cho trung tâm tác phẩm là giai điệu từ piano. Và một số không nhỏ concerto được chuyển soạn lại cho 2 dương cầm, trong đó piano độc tấu (piano solo) vẫn chịu trách nhiệm giai điệu chính, trong khi cả dàn nhạc được thâu về những cung bậc biểu cảm của piano đệm (piano accompanist). Nói chính và đệm ở đây không có ý tôn cao hay hạ thấp tầm quan trọng của một trong hai cây đàn hay người chơi, mà chỉ là mô tả phần nào vai trò giữa một bên là khung cảnh, là hòa điệu tinh tế để tôn lên bên còn lại là giai điệu chính. Cả hai phần đều đượm tính nghệ thuật, đều yêu cầu kỹ thuật cá nhân lẫn phối hợp thật vững ở người diễn.

Sergei Vasilievic Rachmaninoff (1873-1943)

Mở đầu chương trình là chương 1 concerto cho piano và dàn nhạc, được soạn lại cho hai đàn: bản Piano concerto Số 2 được nhà soạn nhạc người Nga Sergei Rachmaninoff sáng tác vào đầu thế kỷ 20, trong giai đoạn ông đang ở Mỹ, vừa vượt qua chứng trầm cảm. Bản concerto đã hồi sinh sự nghiệp của ông nơi đất khách, gây nên sự nhiệt thành hâm mộ ở khán giả kéo dài đến tận ngày nay, và cùng với concerto số 3 sau đó, tác phẩm này giữ trọn vị trí những sáng tác thách thức kỹ thuật trình tấu nơi người diễn vì chính bản thân Rachmaninoff cũng là một nghệ sĩ biểu diễn cự phách. Bản ‘Piano Concerto số 2” khởi đầu với hồi chuông nhà thờ ảm đạm, cũng chính là tâm trạng trong những ngày tháng nhớ cố hương nơi đất khách của Rachmaninoff. Chương I. Moderato với tiết tấu chậm vừa phải là những dòng nhạc uyển chuyển, trữ tình và những đoạn nhạc dồn dập xen kẽ. Hãy quan sát và lắng nghe những lúc mà piano độc tấu và piano đệm hòa làm một, cũng như lúc chúng được có tính cách riêng, trong đó phần piano đệm vẫn được ưu ái những nét chấm phá đan xen với giai điệu chính. Tác phẩm: Piano Concerto No. 2 in C Minor, Op. 18, I. Moderato (Concerto cho dương cầm số 2 Giọng Đô giáng, Tập 18, Chương I. Vừa phải) với Nguyễn Đình Phước Thịnh (phần độc tấu), Lê Nguyễn Vi Vân (phần đệm).

Tranh minh họa Peer Gynt (1936) của Arthur Rackham

Tác phẩm Peer Gynt ban đầu được Edvard Grieg viết cho dàn nhạc và làm nhạc nền trong vở kịch nói cùng tên của Henrik Ibsen vào năm 1875. Là một người yêu trẻ con, Grieg lấy cảm hứng từ các nguồn tác phẩm dân gian, những truyện cổ tích xứ sở quê hương mình để viết nên những tác phẩm sáng tạo, đa sắc màu, có thể thu hút khán giả không kể độ tuổi. Nhắc đến Grieg là nhắc đến Peer Gynt, và ngày nay các tác phẩm trong hai Tổ khúc Peer Gynt (Peer Gynt Suites) thường được biểu diễn độc lập khỏi vở kịch. Tuy vậy, Grieg luôn coi âm nhạc của Peer Gynt không thể tách rời vở kịch khi ông và Ibsen đã cùng nhau sáng tạo để nhạc đi cùng chuyện và giúp phác họa thêm tính cách cho các nhân vật. Sự kết hợp giữa kịch tính mạnh mẽ của Ibsen và âm nhạc giàu sức gợi của Grieg đã khiến Peer Gynt trở thành một trong những tác phẩm giá trị nhất trong kinh điển văn hóa Na Uy. 

Chương trình hôm nay, chúng ta sẽ thưởng thức tác phẩm Xúc cảm sáng tinh mơ thuộc Tổ khúc Peer Gynt số 1, Tập 46 (Peer Gynt Suite No. 1, Op. 46) được chính tác giả chuyển soạn cho piano 4 tay. Ở phương diện nhà soạn nhạc, một trong những lợi thế của việc sáng tác cho piano bốn tay (so với cho piano solo) là khả năng mở rộng cấu trúc và sáng tạo ra các câu nhạc liền lạc trong âm vực rộng. “Xúc cảm sáng tinh mơ” khởi đầu bằng sự thanh thoát của các nốt cao, rồi bè trầm hòa vào để làm dày bức tranh thiên nhiên. Tác phẩm này sẽ được thể hiện bởi Thái Ngọc Thùy Trang (primo) và Đặng Trí Dũng (secondo). 

Lang Lang và Eschenbach chơi Petite Suite của Debussy tại Schlesswig-Holstein Musik Festival năm 2012. Ở đây có thể thấy Lang Lang (secondo), vest đen có cổ tay áo trắng, vươn tay sang chơi nốt cao quá tay Eschenbach (primo).

Ngoài các tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng được chuyển soạn lại cho dương cầm, thế giới của hòa tấu piano còn có các tác phẩm được viết với chủ đích ngay từ đầu dành cho piano 4 tay, mà trong đó Debussy là một trong những đại diện xuất sắc. Tác gia người Pháp này đã soạn 4 tác phẩm cho piano 4 tay, và Petite Suite (Tổ khúc nhỏ) là tác phẩm đầu tiên. Sáng tác khi Debussy 26 tuổi (1888), giai đoạn mà âm nhạc của ông chưa mang rõ màu sắc ấn tượng như sau này và đang còn giữ nét lãng mạn, bộ tổ khúc gồm 4 tiểu phẩm mà 2 tiểu phẩm đầu lấy cảm hứng từ thơ của Paul Verlaine. Bài đầu En Bateau (Lướt đi trên thuyền) với nhịp điệu khoan thai nhẹ nhàng, tạo hình ảnh của một đêm yên bình trên dòng sông tĩnh lặng. Bài 2, Cortège (Đám rước), theo ý thơ, mô tả một người phụ nữ quý tộc đi với con khỉ cưng của mình cùng người hầu, nên đám rước có phần thiếu trang nghiêm. Hai tiểu phẩm tiếp sau không có tham chiếu văn học: phần Menuetlà một vũ điệu truyền thống của Pháp với nhịp điệu chậm vừa phải, và phần kết thúc, Ballet, có giai điệu tươi vui, sống động.Tổ khúc nhỏ” sẽ tái hiện qua phần trình bày của 3 cặp nghệ sĩ: Vũ Khánh Đan (primo), Nguyễn Trần Phương Vy (secondo) với tiểu phẩm đầu tiên; Mai Tuyết Minh (primo), Hồ Liên Đài (secondo) với tiểu phẩm thứ 2; và Thái Ngọc Thùy Trang (primo), Đặng Trí Dũng (secondo) với 2 tiểu phẩm còn lại.

Trong một tiểu luận công phu về trình diễn piano bốn tay, học giả kiêm giảng viên âm nhạc người Phần Lan-Hungary Cecilia Oinas, đồng thời cũng là một nghệ sĩ dương cầm ĐH Nghệ thuật Helsinki - Học viện Sibelius chia sẻ về trình diễn piano bốn tay như sau: “Tùy người được hỏi, trình diễn bốn tay có thể là một buổi sum vầy tươi tắn, nơi hai nghệ sĩ cùng tấu lên  một cách đầy ngẫu hứng; hoặc là một trong những hình thức [trình diễn] thính phòng thử thách nhất, về khả năng trình diễn lẫn phối hợp của người chơi.” Cách nhà soạn nhạc Edward T. Cone hình dung về trình diễn bốn tay còn “kinh dị” hơn: quái vật bốn tay, ý chỉ về sự hợp nhất trong tư duy, kỹ thuật, và nghệ thuật của người chơi. Đó là một quá trình đòi hỏi mức độ phối hợp cơ thể cao độ cốt để có thể duy trì chất lượng trình diễn, nhưng đồng thời chính sự thân thiết, gần gụi trong quá trình tạo ra âm thanh là một nhân tố khiến lối chơi này rất dễ… gây nghiện với các cặp đôi nghệ sĩ. 

“Quái vật 4 tay”: Khatia Buniatishvili và Yuja Wang chơi Brahms, Hungarian Dance No. 1

Hai nhà nghiên cứu Haddon và Hutchinson, tác giả cuốn Nghệ sĩ thính phòng trong thế kỷ 21 (2022), kết luận rằng, sự đan kết của đôi tay, khi không nghệ sĩ nào biết chắc ai đang diễn, có thể khiến “cả hai đồng thời ra quyết định, thậm chí còn cảm nhận được cảm giác của người kia như thể cảm giác của chính mình.” Có lẽ khi nhìn kỹ, ta sẽ thấy họ cùng chung một hơi thở, cùng chung một nhịp đong đưa, nhưng sẽ có sự trước sau, có người dẫn dắt, người nối tiếp, tuy từng lúc mạnh nhẹ khác nhau nhưng luôn ôn tồn, nâng giọng cho nhau. Người xem chúng ta khó lòng phủ nhận nét “gợi cảm” - nghĩa đen, gợi cảm giác râm ran, khoan khoái - nằm ở những đoạn nhạc phá cách, với sự tung hứng, đùa ghẹo trong quá trình chơi giữa hai nghệ sĩ và giữa họ cùng khán giả. 

Một trong những đoạn chéo tay giữa hai người chơi của bản Quân hành D. 733 của Schubert

Trong nhiều tác phẩm bốn tay sáng tác vào thế kỷ 19, hai tay giữa tiếp xúc gần với nhau, đôi khi còn đánh cùng nốt nhạc lần lượt; thế nhưng các chỉ dẫn trình diễn ít khi xuất hiện, kể cả ở những nhà soạn nhạc bốn tay đáng chú ý như Franz Schubert. Trong một nhận định trích từ một bài báo vào năm 1928 của Theodor Adorno – nhà xã hội học, triết học và âm nhạc học người Đức, cho rằng, Schubert đích thực là người bậc thầy thể loại piano 4 tay trong thời đại của mình, với 40 sáng tác 4 tay trong 31 năm ngắn ngủi cuộc đời. Nằm bên cạnh tuyệt tác D. 940 cho piano bốn tay quen thuộc, chúng ta sẽ cùng nhau thưởng thức một trong 3 khúc Quân hành cho piano 4 tay, D. 733, I. Hơi nhanh, đầy sinh khí 3 Marches Militaires, D. 733 for Piano Four Hands, I. Allegro vivace), qua phần thể hiện của Lại Thế Xuân An (primo) và Phạm Anh Khôi (secondo).

Bìa đĩa nhạc Vũ điệu Sla-vơ (Slovanske Tance) của nhà soạn nhạc người Séc Dvorak, ghi âm tại Supraphon Studio ở House of Artists, Prague, CH Séc năm 1979.

Nửa sau thế kỷ 19, piano có mặt tại hầu hết các gia đình trung lưu với tham vọng xã hội hoá âm nhạc, và mỗi gia đình thường có ít nhất là một vài thành viên được học và chơi đàn. Vì vậy, khuynh hướng sáng tác cũng đã thay đổi đáng kể: ngày càng có nhiều tác phẩm được viết để phù hợp với kỹ năng mới phát triển của các bạn nhỏ đang bắt đầu đi sâu vào piano. Thực ra thì đó không phải là điều mới mẻ, Mozart cũng đã viết các bản hòa tấu cho học trò của mình. Antonín Dvorák là một trong số các nhà soạn nhạc nhận ra chuyển biến xã hội này; ông đã soạn ra một số tác phẩm với định hướng như vậy, trong đó có bộ 8 Vũ khúc Slav, Tập 46 (Slavonic Dances, Op. 46), ban đầu được soạn cho piano 4 tay, với độ khó đủ để học viên có thể biểu diễn, rồi sau đó chính tác giả chuyển soạn lại cho dàn nhạc. Các nhà soạn nhạc thời kỳ này như Brahms và Dvořák sử dụng các giao tiếp chéo tay thường xuyên, minh họa ở đây bởi Vũ khúc Slav số 7, điệu Skocna (Skocná) sẽ đến với chúng ta qua phần trình bày của hai nghệ sĩ: Bùi La Giang (primo), và Nguyễn Viết Minh Khang (secondo). Là một vũ điệu truyền thống Sla-vơ, điệu Skocna nổi bật với những chuyển động mạnh mẽ, những cú nhảy cao, đá, và xoay tròn tốc độ, và là điệu nhảy trong các đám cưới, lễ hội, và dịp quan trọng của người dân các xứ sở Trung, Đông, và Nam Âu. 

Đầu thế kỷ 20, các nhà soạn Pháp bắt đầu khám phá những cách thể hiện bốn tay mới mẻ, sáng tạo hơn thế nữa, tiêu biểu là Six épigraphes antiques (Sáu bia cổ đại) (1915) của Debussy, Rapsodie espagnole (1917) của Ravel viết lại cho bốn tay, và Sonata cho bốn tay (1918) của Poulenc. Ở giai đoạn chuyển giao 2 thế kỷ, chúng ta còn có nhà soạn nhạc lớn đầu tiên của Pháp Camille Saint-Saëns, tác giả của 5 concerto chứa đựng nhiều cách tân. Với Camille Saint-Saëns, chúng ta sẽ thưởng thức Piano Concerto No. 2 in G Minor, Op. 22, II. Allegro scherzando; III. Presto (Concerto cho dương cầm số 2 Giọng Sol thứ, Tập 22, II. Nhanh và hài hước, III. Mau (hơi thúc nhịp)), do Hoàng Ngọc Đan Thy (phần độc tấu), Nguyễn Hoàng Quân (phần đệm) trình tấu. Tác phẩm này thể hiện khả năng điêu luyện của cả hai nghệ sĩ piano, với những đoạn chạy nhanh, hợp âm rải phức tạp và những đoạn hòa tấu đòi hỏi sự ăn ý cao. Cả chương II và III của concerto này là những điệu nhạc nhanh, nổi bậc với đảo phách hóm hỉnh trong chương II và cuộc đối thoại dồn dập của hai cây đàn trong chương III, để rồi kết thúc là sự hòa điệu cùng nhau đến lúc bản nhạc chấm dứt.

Camille Saint-Saens

Sang thăm nước Áo, chúng ta gặp Mozart với hai tác phẩm Piano Concerto No. 20 in D minor, K. 466, I. Allegro (Concerto cho dương cầm số 20 Giọng Rê thứ, K. 466, I. Nhanh, vui) do Dương Hồng Phúc (phần độc tấu), Trần Ngọc Nguyên Trinh (phần đệm); và Piano Concerto No. 23 in A major, K. 488, I. Allegro (Piano Concerto Số 23 giọng La trưởng, K. 488, I. Allegro) do Nguyễn Viết Minh Khang (phần độc tấu), và Nguyễn Thị Tuyết Mai (phần đệm). Niềm say sưa trọn đời của Mozart với món nhạc cụ phím lẫn thiên tài sáng tác của ông thể hiện rất rõ nét ở các concerto viết cho piano. Mozart là người phát triển thể dạng concerto 3 phần vẫn được áp dụng cho đến ngày nay. Đây là một cấu trúc chặt chẽ nhưng cũng cho phép việc phát triển các chủ đề được đầy đủ và sáng tạo. Các concertos của ông có độ biểu cảm cao, thông qua việc sử dụng hòa âm linh hoạt. Tiếp theo sau hai concerto, chúng ta sẽ đến với sáng tác Sonata for Piano Four Hands in C major, K. 521, I. Allegro (Sonata cho piano 4 tay Giọng Đô trưởng, K. 521, I. Nhanh, vui) do Lê Khôi Nguyên (primo), Nguyễn Thanh Hoa (secondo) trình tấu. 

Đứng từ góc độ người biểu diễn, khó khăn nằm chính việc phải dùng chung một bàn phím, những giới hạn về cơ học - chuyển động, nhất là đoạn hai tay ở giữa đan móc vào nhau. Thậm chí, các chuyển động này có khi còn được chủ định vạch ra và phối hợp giữa nghệ sĩ biểu diễn sao cho tay và đầu không chạm vào người kia. Một cặp nghệ sĩ được Cecilia Oinas phỏng vấn đã hợp tác cùng nhau hơn 15 năm, cho rằng: “Từng chuyển động đều được cân đo đong đếm!”. Một cặp đôi khác thì cho rằng mình “không chủ đích từ trước mà thường đôi tay sẽ tự vận hành trơn tru với nhau” (đôi nghệ sĩ này đã trình diễn cùng nhau hơn 30 năm). Không có một phương thức chính xác duy nhất, từng cách tiếp cận phản ánh những đặc thù thể chất đặc trưng giữa nghệ sĩ biểu diễn, chẳng hạn một người nam to cao/nữ nhỏ con thường có những giải pháp chuyển động khác giữa hai nữ nghệ sĩ đánh đôi, và tùy vào phong cách sáng tạo của cặp bạn diễn.

Nhà soạn nhạc người Đức Robert Schumann luôn ham thích trình diễn bốn tay, ngay cả khi chấn thương ở tay phải dập tắt hy vọng được trở thành nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp. Schumann đã sáng tác 5 tập tác phẩm piano 4 tay cho đủ cấp độ cũng như lứa tuổi, được viết từ lúc ông còn ở tuổi thiếu niên và vào giai đoạn cuối đời (ông mất trẻ năm mới 46 tuổi). Bộ tác phẩm Kinderball, Vũ hội cho Trẻ em, Sáu vũ điệu dễ thương, Tập 130 (Children’s Ball, Six Easy Dance Pieces, Op. 130) được sáng tác vào năm 1849, gồm 12 bản nhạc phỏng theo các điệu nhảy, điệu múa trong một bữa tiệc vũ hội cho trẻ con. Với nét nhạc réo rắt, linh động, vui tươi, phần IV. Ecossaise, Lebhaft (Điệu nhảy sống động người Scotland), sẽ được thể hiện bởi Vũ Hoàng Gia Bảo (primo), và Lương Vĩnh Thiệu (secondo). Các bản nhạc trong Vũ hội cho Trẻ em được sáng tác để trẻ em cũng có thể chơi được. Schumann từng chơi các giai điệu này với con mình, và dùng chúng trong quá trình giảng dạy với học trò. Tuy là các tác phẩm đơn giản nhưng Kinderball có nét duyên và sự cuốn hút để vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ trẻ trên thế giới.

Tiếp nối với Schumann ở trên, chúng ta không thể bỏ qua Tổ khúc Dolly (Dolly Suite, Op. 56) (1896) của Fauré viết cho piano 4 tay, nằm trong loạt các sáng tác cho piano dành cho trẻ em, cảm hứng từ tình yêu mến trẻ. Điểm nổi bật của Tổ khúc Dolly là cách mà Fauré sử dụng âm nhạc để miêu tả những cảm xúc và trải nghiệm của trẻ con. Tác phẩm bắt đầu bằng khúc hát ru (Berceuse), tiếp nối bởi bài Mi-a-ou, mặc dù nghe giống như tiếng kêu của một chú mèo, nhưng thực ra là mô tả một cô bé đang bập bẹ gọi tên anh trai của mình. Tiểu phẩm số 3: Khu vườn của Dolly, tiểu phẩm số 4: Điệu valse của Kitty, tiểu phẩm số 5: Dịu dàng, và tổ khúc kết thúc với một vũ điệu Tây Ban Nha. Chúng ta sẽ cùng lắng nghe Tổ khúc Dolly, I. Khúc hát ru, II. Mi-a-ou (tiếng mèo kêu), VI. Nhịp bước ngựa của Tây Ban Nha, qua phần trình bày lần lượt của 2 cặp nghệ sĩ: Vũ Hoàng Gia Bảo (primo), Lương Vĩnh Thiệu (secondo), cùng Vũ Khánh Đan (primo) và Nguyễn Trần Phương Vy (secondo).

Tác phẩm Kẹp hạt dẻ (Nutcracker) trái mùa của Tchaikovsky giữa cái nóng hè cháy bỏng sẽ đưa chúng ta về cuối chương trình, cũng như về miền cổ tích, nơi mùa đông đang ngự trị, và nơi âm nhạc cất lên, bản Hành khúc (March) của đêm lễ hội Giáng sinh, qua phần trình bày của Ngô Anh (primo) và Hồ Đắc Hoàng Lan (secondo). Đêm nhạc chủ đề những diễn tấu trên piano sẽ kết thúc bằng một trong những bản nhạc quen thuộc, phổ biến nhất trong thế giới nhạc cổ điển, đầy màu sắc dân gian của J. Brahms. Cùng trong dòng chảy sáng tác các tác phẩm cho piano 4 tay rộ nở, Brahms cũng đã chuyển soạn hẳn 4 bản giao hưởng của mình thành tác phẩm piano 4 tay, điều mà đa phần các nhà soạn nhạc hiếm khi làm, vì đa phần họ đều chuyển soạn trên 2 piano. Xin mời quý vị cùng thưởng thức tác phẩm sau cùng của chương trình, bản Vũ khúc Hungary số 1 (Hungarian Dances WoO 1, No. 1 in G minor: Allegro molto), qua phần trình bày của hai nghệ sĩ: Mai Tuyết Minh (primo), Hồ Liên Đài (secondo).

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

Sergei Rachmaninoff (1873-1943)

Piano Concerto No. 2 in C Minor, Op. 18, I. Moderato

(Concerto cho dương cầm số 2 Giọng Đô thứ, Tập 18, I. Vừa phải)

Piano Solo: Nguyễn Đình Phước Thịnh, Piano Accompanist: Lê Nguyễn Vi Vân

 

 

Mở đầu là một hồi chuông ngân. Một tiếng đánh thanh. Một tiếng trầm đục, vọng khắp và choáng lấy không gian. Đó là cách Sergei Rachmaninoff dẫn chúng ta vào bản concerto thứ hai dành cho piano, một bản nhạc nếu lấy tiếng chuông làm điểm quy chiếu thì tựa như giờ canh thức của một nội tâm vừa bị truy riết trong bóng tối của sợ hãi và đau khổ, vừa hướng vọng đến một nguồn sáng giải thoát. 

Hoài thai từ một nghệ sĩ Lãng Mạn, hình ảnh cái tôi canh thức ấy có thể được tiếp cận như sự phóng chiếu chính con người cá nhân của Rachmaninoff, đặc biệt là giai đoạn đã phủ bóng xuống sự nghiệp sáng tác của ông trong suốt ba năm từ 1898-1900. Sau buổi công diễn không mấy thành công của bản giao hưởng đầu tiên, nguồn cảm hứng sáng tác của ông dần trở nên cạn kiện, thay vào đó là chuỗi ngày hoài nghi và thất vọng về chính bản thân mình. Đoạn thời gian tăm tối và chán chường ấy chỉ thực sự khép lại sau những cuộc gặp kéo dài với nhà trị liệu Nikolai Dahl, được nuôi dưỡng trong mạch nước ngầm của những lời tự kỷ ám thị miên man khi trí não ông đang ở ranh giới nhập nhoè giữa ý thức và vô thức. 

Dù vẫn theo cấu trúc sonata truyền thống với bốn phần, Rachmaninoff đã tạo ra những biến tấu thể hiện phong cách của trào lưu Lãng Mạn. Kể từ thế kỷ 19, ký hiệu cường độ không chỉ quy về hai cực nhẹ (p) hoặc mạnh (f) mà được đào sâu nhằm đi đến tận cùng cái khả thể quảng đại được cấu thành từ hai cực ấy: rất rất nhẹ, rất rất mạnh, một chút nhẹ, một chút mạnh hay bất kỳ một sáng tạo ngôn ngữ nào khác để gọi tên một ý niệm về độ nhấn của piano hay phần đệm đang ám ảnh trí não nhà soạn nhạc. Chính qua phong cách này, những cung bậc xúc cảm của con người được hiện diện một cách đầy đủ nhất. Điều này được thể hiện trong bản concerto thứ hai của Rachmaninoff ngay từ những khúc nhạc đầu khi cường độ của tiếng chuông bắt đầu như một tiếng đánh mỏng vang vọng ở xa, rồi dần khuếch đại, trực diện đối kháng như báo hiệu giờ tăm tối đã điểm. Không mang tính kháng cự và truy đuổi ráo riết như trong Piano Concerto No. 20 in D minor (Concerto cho dương cầm số 20 Giọng Rê thứ) của Mozart, cuộc đối thoại hình thành giữa người solo và tiếng đệm gần như nâng đỡ nhau, quyện vào nhau bằng những điệp khúc lặp lại ở cả đôi bên như hai kẻ đồng hành trong giờ phút u ám đang vây hãm, để rồi cùng buông mình trong một nguồn sáng, hy vọng nhẹ nhàng. Và sau tất cả những giai điệu như trôi nhẹ trên dòng miên viễn, ba hồi hợp âm dồn dập, mạnh mẽ chào đón ta như lời cáo chung.  

“Nói một cách hình tượng, Rachmaninoff đã nhốt mình trong căn phòng tối, tự hãi hùng đến chết, để rồi chuyển hoá những bão tố đang diễn ra trong tâm hồn thành ngôn ngữ của âm nhạc”. Dẫu đây là lời của một người không dành mấy thiện cảm với sự thể hiện bộc trực cảm xúc, Edward Sackville-West đã khái quát một cách độc đáo phong cách của Rachmaninoff. Một nhà soạn nhạc đã thể hiện một cách trung thành không chỉ xúc cảm mà cả những chấn thương, ký ức mạnh mẽ nhất của bản thân trên từng tác phẩm. 

Tổng hợp bởi: Lê Anh Thư

Edvard Grieg (1867-1907)

Peer Gynt, Suite No. 1, Op. 46 for Piano Four Hands, I. Morning Mood

(Tổ khúc Peer Gynt số 1, Tập 46 cho piano 4 tay, I.  Tâm trạng sớm mai ở sa mạc)

Primo: Thái Ngọc Thùy Trang, Secondo: Đặng Trí Dũng

 

Edward Grieg đồng thời để lại dấu ấn của tính dân tộc và tính toàn cầu trong cách ông tiếp cận với việc soạn tác, một điều được xây đắp từ những chuyến xê dịch rộng khắp Châu Âu ông đã thực hiện suốt cuộc đời mình (1843-1907). Ông cho rằng các tác phẩm của mình vừa là tiếng nói của vẻ đẹp và nét quê chân chất của xứ sở Na Uy, vừa là một đại diện cho cái nôi văn hoá nghệ thuật đầy sinh động tại Châu Âu. Là một hoạ sĩ bằng giai âm, Grieg đã bám rễ sâu vào cốt hồn của dân ca Na Uy để mỗi tác phẩm là một sự cất tiếng gợi mở đầy choáng ngợp về thiên nhiên của xứ sở. Tổ khúc Peer Gynt ban đầu được ông soạn làm nhạc nền cho một vở kịch cùng tên của Henrik Ibsen, sau đó được sắp xếp lại để chuyển soạn cho piano bốn tay. 

Khúc đầu tiên được đặt tên là Morgenstemning (Tâm trạng sớm mai ở sa mạc), một trong những nhạc phẩm nổi bật nhất trong các trước tác của Grieg. Ngay cả khi không được đặt tên, bản thân tác phẩm đã phác ra một bức hoạ sinh động của thiên nhiên và phong cảnh thể hiện rõ sự kết nối sâu sắc giữa Grieg và vùng đất quê. Nắm bắt những khoảnh khắc đầu tiên của một ngày trên những ngọn núi và sâu trong những cánh rừng Na Uy, tác phẩm mở ra một bầu không yên bình và tươi sáng cho vở kịch và chính giấc mơ của chàng Peer Gynt. 

Tổng hợp bởi: Lê Anh Thư

Claude Debussy (1862-1918)

Petite Suite, L. 65 (Tổ khúc nhỏ cho piano cho 4 tay, L. 65)
I. En bateau: Andantino (I. Lướt đi trên thuyền (hơi khoan thai))
II. Cortège: Moderato (Đám rước: Vừa phải)
III. Menuet: Moderato (Vừa phải)
IV. Ballet: Allegro giusto (Rất sống động)

Primo: Vũ Khánh Đan, Secondo: Nguyễn Trần Phương Vy

Primo: Mai Tuyết Minh, Secondo: Hồ Liên Đài

Primo: Thái Ngọc Thùy Trang, Secondo: Đặng Trí Dũng

 

Âm nhạc của Claude Debussy, một phần nào đó, là một thể âm thanh khoáng đạt được nuôi dưỡng bởi tự nhiên. Đó là tâm hồn của một kẻ ước ao được ngã mình trong tiếng sáo của người chăn chiên để nắm bắt những hoà âm thuần tuý từ đất trời, một kẻ đứng lặng trong khu rừng già vọng vang tiếng đất và lá mà ngắm kỹ từng sắc độ bày ra trước mắt. Ông khước từ cái nhãn “Ấn tượng chủ nghĩa” hay bất kỳ một chiếc áo quá hẹp nào mang tên hình thức gắn định lên người mình. Nhưng có lẽ tâm hồn của ông, và âm nhạc của ông, thể hiện một sự tương giao hoà hợp nhất với những nghệ sĩ như Monet; những người không lột trần các chiều kích của tự nhiên và con người bằng thể thức trực diện, đôi lúc đối chọi trong vẻ hãi hùng, trúc trắc mà tìm lấy những giao chuyển tinh tế, mềm mại dưới sự rọi chiếu tầng tầng lớp lớp của ánh sáng, đường nét và âm thanh. Cứ một âm, một nốt vang lên trong các sáng tác của Debussy, người ta lại nghe thấy một sóng âm vọng tiếp, rung ngân như nối dài một hồi tưởng, một mơ mộng. Chính trong cấu trúc ấy và sự đa dạng trong giai điệu mà các bản nhạc của ông nắm bắt được những sắc độ của khoảnh khắc và kết lại thành những giai âm hoà hợp. 

Trong các sáng tác giai đoạn đầu như Petite Suite, L. 65 (Tổ khúc nhỏ cho piano cho 4 tay, L. 65), tín hiệu của phong cách Ấn tượng đã được khởi phát trong tác phẩm của Debussy. Là khúc đầu tiên trong bộ tứ và mang nhiều dấu ấn của trường phái này, En bateau (Lướt đi trên thuyền) mở ra một vùng tưởng tượng mênh mang của thuyền và nước chuyển động theo sự khoan thai, mềm mại của nhịp 6/8, đôi chỗ điểm nét gập ghềnh như sự dao động của thuyền trên sông. Debussy đã linh hoạt chuyển đổi phần của primo và secondo, tạo ra những đoạn láy lại khiến cho dải âm trôi theo một dòng miên man. Sau những luyến láy, bản nhạc đệm hai hợp âm mạnh, chuyển giao sang giọng Rê thứ mà chảy theo những nốt thả đơn để rồi tĩnh lại, tìm về âm chủ, kết thúc bằng dư ba của con thuyền cập bến. Bản nhạc như vọng lại từ những lời thơ của Paul Verlaine: 

Khi ấy trăng lên và ánh chiếu 

còn con thuyền lướt nhẹ

băng qua hồi sóng của những giấc mơ

(Lướt đi trên thuyền – En bateau) 

 Ba khúc Cortège (Đám rước), Menuet Ballet, được soạn với nhịp điệu sôi động hơn, và theo một bài nghiên cứu của Joanne Chang, được lấy cảm hứng từ những vũ khúc truyền thống xuất hiện từ thời Baroque. Cortège mở ra như một hành khúc đầy sinh động với những quãng nghịch tai được sử dụng một cách phóng khoáng, gợi lên một bầu không khí lễ hội. Những điểm xuyến quen thuộc trong thời kỳ Baroque được vận dụng cho hai bản nhạc sau gợi ra những bước nhảy sinh động, mau mắn. Và cách Debussy cấu trúc nhịp điệu với cảm quan nhạy bén của riêng ông cho từng âm chủ cũng là một nắm bắt đối với những khoảnh khắc nhỏ dưới bước chân hay trong sự vật đang hiện mình ra dưới nhiều sắc độ.  

Âm nhạc của Debussy là một thể âm nhạc của khoảnh khắc, dẫu nó trải dài miên man hay cuốn ta vào những giai điệu tràn đầy sinh khí, nó buộc ta phải tập trung vào khắc ấy để hình dung ra những chi tiết, chiều kích mà âm thanh có thể mở ra. 

Tổng hợp bởi: Lê Anh Thư

Franz Schubert (1797-1828)

3 Marches Militaires, D. 733, I. Allegro vivace

(3 Quân hành cho piano 4 tay, D. 733, I. Hơi nhanh, đầy sinh khí)

Primo: Lại Thế Xuân An, Secondo: Phạm Anh Khôi

 

3 Marches Militaires (3 Quân hành) cho piano bốn tay vốn được Schubert soạn cho những khoảnh khắc quây quần tại tư gia. Bản nhạc được sáng tác trong thời điểm ông cư ngụ tại nhà bá tước Esterházy để dạy đàn và hát cho hai người con gái của ông. Vào thời điểm tác phẩm được ra đời, Marches Militaires không gây được mấy sự kinh ngạc trong lòng người yêu âm nhạc lúc bấy giờ bởi sự giới hạn trong thể loại hành khúc lên khoảng không sáng tạo của người nghệ sĩ. 

Thế nhưng, chỉ sau một truyện ngắn “Cuộc đổ bộ của Berlin”, chùm tác phẩm trên đã in hằn vào ký ức người Châu Âu về những bước chân hùng hồn và man bạo của quân Phổ cũng như bị cuốn vào những diễn ngôn chính trị trong suốt ba cuộc chiến lớn. Câu chuyện bắt đầu từ đoạn mô tả của Alphonse Daudet trong truyện ngắn “Cuộc đổ bộ của Berlin” đăng báo năm 1871: “Dần dần, từng đầu mũi nhọn ánh sáng trên hàng mũ sắt, từng hồi trống của Jena khởi phát, và ngay dưới Khải hoàn môn, từng tiếng dậm chân nặng nề của sư đoàn cùng tiếng va của lưỡi kiếm vây bủa, và khúc khải hoàn ca (marche triomphale) của Schubert bật ra!” Scott Messign trong cuốn sách đầy tâm huyết về lịch sử của Marches Militaires đã bày tỏ sự kinh ngạc của chính mình về cách Alphonse Daudet kết nối hình ảnh cuộc đổ bộ của sư đoàn Phổ với bản nhạc của Schubert bởi trong các trước tác của ông không có tác phẩm nào gắn liền với từ “triomphale” hay những nhạc điệu hùng hồn thúc đẩy hào khí của binh lính. Đối với Messing, Marches Militaires bởi lẽ được soạn cho piano trong một không gian thân mật nên khó có thể tạo nên những giai điệu hùng tráng như những sáng tác cho quân đội. Thế nhưng hình ảnh được dệt nên trong tác phẩm của Daudet dần được khắc sâu vào ký ức của người Pháp về sự thất bại của họ trước đoàn quân Phổ, ngay dưới Khải hoàn môn và “marche triomphale” dần được lưu truyền thành “marche militaire”, đích xác tên tác phẩm của Schubert. Một hồi dư luận sôi nổi trong báo chí Pháp năm 1914 nhắc đến việc đại sứ Đức đã cho trình diễn hành khúc của Schubert trước mặt Tổng thống Pháp như một hành lễ đầy xúc phạm. Đến khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, hành khúc này lại trở đi trở lại trong văn học Pháp một cách ám chỉ đầy thù hằn cho quân Đức. 

Đời sống chính trị mà nhạc phẩm này trải qua, một phần nào đó đã làm nên sự nổi tiếng của chính nó, một điều hẳn Schubert không bao giờ nghĩ đến khi bắt tay vào biên soạn. Dẫu bị gán lên mình căn tính chính trị và trải qua những biến cố lịch sử như thế nào, Marches Militaires vẫn là một tác phẩm nghệ thuật thuần tuý đã quen thuộc với các nghệ sĩ trong những giờ tập luyện bởi tính cấu trúc chặt chẽ và quen thuộc của nó. 

Tổng hợp bởi: Lê Anh Thư

Antonín Dvořák (1841-1904)

Slavonic Dances, Op. 46, No. 7: Skocná for Piano Four Hands

(Vũ khúc Slav cho piano 4 tay, Tập 46, Số 7: Điệu nhảy dân gian Skocná)

Primo: Bùi La Giang, Secondo: Nguyễn Viết Minh Khang

 

Vào thế kỷ 19, thời kỳ mà các buổi trình diễn nghiệp dư dần trở nên phổ biến, xu hướng sáng tác đã thay đổi đáng kể: ngày càng có nhiều tác phẩm được viết không chỉ cho phòng hòa nhạc mà còn dành cho các nghệ sĩ nghiệp dư. Đây không phải là một xu hướng gì mới mẻ - vì Mozart từng viết các bản concerto cho học trò của mình tập dượt và biểu diễn nghiệp dư - nhưng với sự phát triển của ngành xuất bản âm nhạc thương mại, một loạt sách hướng dẫn đã lên kệ và một thế hệ nhạc sĩ nghiệp dư mới mong muốn âm nhạc phù hợp với những kỹ năng mới. Antonín Dvorák là một trong số các nhà soạn nhạc đã nhận ra điều này, và kết quả là ông đã sáng tác một loạt tác phẩm cho các buổi trình diễn nghiệp dư.

Slavonic Dances, Op. 46 (Vũ khúc Slav, Tập 46) của Dvorák, ban đầu được viết cho piano 4 tay, nằm trong số những tác phẩm phù hợp để biểu diễn hằng ngày. Bộ tác phẩm 8 vũ điệu dân gian này được viết năm 1878 theo yêu cầu của nhà xuất bản Fritz Simrock. Simrock cũng là nhà xuất bản của nhà soạn nhạc lừng danh Johannes Brahms. Thực tế thì Brahms và Dvorák đã trở thành bạn thân từ rất sớm trước cả khi Dvorák nổi tiếng. Brahms đã giúp Dvorák bắt đầu sự nghiệp bằng cách nhận các bản song ca Moravian của Dvorák - người gần như vô danh lúc bấy giờ. Nhưng chính những vũ khúc Slav mới thật sự giới thiệu Dvorák đến với sân khấu hòa nhạc châu Âu; sau buổi ra mắt Dresden năm 1878, danh tiếng dành cho nhà soạn nhạc đã tăng lên đáng kể. 

Ngay sau khi hoàn thành bản song tấu piano gốc, Dvorák đã soạn lại các tác phẩm cho toàn bộ dàn nhạc (hình thức đã được trình diễn lần đầu ở Dresden), có nghĩa một tác phẩm được trình bày bằng hai phiên bản khác nhau. Phiên bản piano đủ đơn giản để học sinh biểu diễn, nhưng cho thấy sự súc tích về kỹ năng, nhịp điệu, và màu sắc đa dạng của Dvorák ở mức xuất sắc trong một phiên bản hạn chế là piano. Phiên bản dành cho dàn nhạc cần nhiều nguồn lực hơn, nhưng bù lại đem đến sự sống động và nhịp điệu nhịp nhàng từ một số lượng lớn các nhạc cụ.

Mặc dù được mô tả dễ hiểu là về các vũ khúc “Slav”, bảy trong số tám tác phẩm có nguồn gốc từ Bohemian, chỉ có vũ khúc thứ hai là có nguồn gốc từ Serbia. Bộ tác phẩm mang lại sự mạnh mẽ, hóm hỉnh và có nhịp điệu cao.

Nguồn: Laphil.com | Người dịch: Trần Ngọc Dương

Camille Saint-Saëns (1835-1921)

Piano Concerto No. 2 in G Minor, Op. 22, II. Allegro scherzando; III. Presto

(Concerto cho dương cầm số 2 Giọng Sol thứ, Tập 22: II. Nhanh và hài hước; III. Mau (hơi thúc nhịp))

Piano Solo: Hoàng Ngọc Đan Thy, Piano Accompanist: Nguyễn Hoàng Quân

 

Saint-Saëns phê bình rất gay gắt các tác phẩm của Debussy và Stravinsky (cùng với nhiều nhà soạn nhạc khác) và được xem là một nhà soạn nhạc bảo thủ. Trong những năm đầu và giữa sự nghiệp của mình, Saint-Saëns đã ủng hộ trường phái âm nhạc đương đại cấp tiến (bao gồm Schumann, Wagner và Liszt), và âm nhạc của ông thường rất độc đáo về hình thức. 

Bản Piano Concerto ở Giọng Sol thứ, Tập 22 (Piano Concerto No. 2 in G Minor, Op. 22), được sáng tác vào năm 1868, là một ví dụ điển hình. Nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng người Nga Anton Rubinstein - một trong những người bạn thân thiết của Saint-Saëns - đến Paris vào mùa xuân để biểu diễn một chuỗi 8 bản concerto, tất cả đều do Saint-Saëns chỉ huy. Trước khi chuỗi biểu diễn kết thúc, Rubinstein quyết định làm buổi ra mắt với cương vị là người chỉ huy dàn nhạc ở Paris, và Saint-Saëns là người chơi độc tấu. Ngày hợp lý nhất chỉ còn ba tuần nữa, vì vậy Saint-Saëns đã bắt tay vào công việc và hoàn thành bản concerto này trong 17 ngày. Ngày 13 tháng 5, ông đã trình diễn ra mắt tac phẩm dưới chiếc đũa chỉ huy của Rubinstein.

Mặc dù bản concerto này có ba chương nhưng nhìn chung tổng thể lại giống một bản một bản giao hưởng (symphony) khuyết chương đầu hơn là một bản concerto thông thường. Chương đầu diễn ra với nhịp điệu chậm nhưng đan xen với những tiết tấu nhanh. Đoạn độc tấu cuối chương (cadenza) nổi lên nghe như một biến tấu của Liszt trên đoạn dạo đầu Bình Quân Luật (Well-Tempered Clavier) của Bach. Chủ đề mà người độc tấu giới thiệu sau khi dàn nhạc xuất hiện có thể từ một bài tập của Gabriel Fauré, một trong những học trò của Saint-Saëns tại trường École Niedermayer vào đầu những năm 1860. Saint-Saëns đã phát triển một cách tuyệt vời, dù phần kỹ thuật tạo những đợt âm nhanh và liên tục nối tiếp nhau trên bàn phím có vẻ nổi bật hơn là phát triển chủ đề. (Tính chất yêu cầu kỹ thuật cao của tác phẩm đã thách thức Saint-Saëns, ông phát hiện ra rằng lịch trình kín không cho phép ông đủ thời gian để tập luyện những gì ông đang soạn.) Chương kết thúc bằng một bản tấu đơn khác, trong đó dàn nhạc lặng lẽ hoà vào khi người độc tấu trở lại với chủ đề ban đầu.

Chương tiếp theo, Scherzo cũng bắt đầu bằng một điều bất ngờ, một hợp âm nhẹ vang lên trên dây đàn và một giai điệu ngắn từ chiếc trống định âm (timpani riff). Nghệ sĩ piano bắt đầu với một giai điệu vui tươi từ chủ đề chính của phần mở đầu. Sự lặp đi lặp lại của chủ đề chính và chủ đề thứ hai (được thể hiện qua kèn bassoon và đàn dây bè trầm) là phần chính trong chương thứ hai này, đan xen vào đó là những hiệu ứng âm thanh tinh tế. Chương này, với nhịp điệu thanh thoát và dễ nghe, đã được khán giả yêu thích nhất tại buổi công diễn.

Saint-Saëns tiếp tục biến đổi chủ đề chính trong phần kết, một điệu nhảy tarantella mạnh mẽ. Ông cũng tiếp tục làm cho chúng ta ngạc nhiên câu mở đầu, lần này là bốn ô nhịp đầu tiên rộn ràng được bắt đầu bởi nghệ sĩ độc tấu. Sự rền rĩ này quay lại nhiều lần, làm điểm nhấn cho những điệu nhảy mạnh mẽ giàu năng lượng. Kỹ thuật kiểm soát cao cũng như sự khéo léo hoa mỹ hòa vào nhau một cách trôi chảy mạch lạc.

Nguồn: Laphil.com | Người dịch: Tôn Thất Quang

Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791)

Piano Concerto No. 20 in D minor, K. 466, I. Allegro

(Concerto cho dương cầm số 20 Giọng Rê thứ, K. 466, I. Nhanh, vui)

Piano Solo: Dương Hồng Phúc, Piano accompanist: Trần Ngọc Nguyên Trinh

 

“Số mệnh của con người là gì, nếu không phải là chịu khổ cho trọn đầy cái khổ, và phải uống cạn tới giọt cuối cùng cái chén đắng trời cho?... Và nếu cái chén đắng ấy, ngay cả Đức Chúa Trời cũng thấy là quá đắng trên đôi môi trần thế của Người, thì tại sao tôi lại phải làm bộ cao đạo và giả vờ như thể uống nó vào ngọt lịm trên môi?” 

Đọc từng dòng trên trong lá thư của chàng Werther, ta cảm như nỗi thống khổ đang vỡ ra trong từng chữ như cách nó đã giằng xé và thôi thúc nhu cầu được bộc lộ của các nghệ sĩ bị cuốn vào hồi bão của phong trào Sturm und Drang (Bão táp và Xung kích) giữa thế kỷ XVIII. Sturm und Drang, nó khước từ sự kiềm nén xúc cảm bởi lý trí, nó khuếch đại việc thể hiện những oán hận và thống khổ, nó để mặc các cung bậc xúc cảm thay đổi từng hồi để con người cá nhân hiện ra một cách chân thật nhất. Với một người hầu như không để lại bất kỳ dấu ấn đời tư nào trong tác phẩm của mình và với chính những nhạc phẩm luôn tràn đầy sinh khí của Mozart, tiếp cận âm nhạc của ông từ góc độ Bão táp và Xung kích hẳn là một điều quái lạ. Tuy nhiên, bản Piano Concerto No. 20 in D minor (Concerto cho dương cầm số 20 Giọng Rê thứ) lại khiến cho nhiều người hoài nghi trước nhận định chắc chắn ấy – nó dị biệt từ sự lựa chọn cung, một cung thứ hiếm gặp trong trước tác của ông, đến cách bầu không khí đầy kịch tính tạo nên từ cuộc đối thoại giữa piano và dàn nhạc. 

Mỗi bản concerto như các nghiên cứu nhận xét là một đối thoại giữa một nhạc cụ và dàn giao hưởng, giữa tiếng nói cá nhân và xã hội. Khi thay dàn giao hưởng bằng một nhạc cụ đệm, tinh thần của cuộc đối thoại ấy vẫn luôn được các nhạc sĩ cố gắng nắm bắt. Tiếng nói đầu tiên cất lên trong K. 466, vẫn như cấu trúc sonata truyền thống, đánh dấu sự xuất hiện của phần đệm, một màn mào đầu như dồn nén không khí, bọp nghẹt toàn bộ hơi thở bằng những âm trầm lặp đi lặp lại. Những nốt thả đầu tiên của piano tưởng như đã giải phóng bầu không khí khỏi những đè nén và kịch tính trước đó nhưng thực chất chỉ là khởi đầu cho một trận đối chất u trầm, phẫn uất. Hãy nghe lấy cách cách piano và phần đệm đối đáp, từ những đoạn hoà nhã một đối một, đến những run rẩy của nốt piano trong sự truy đuổi ráo riết của phần đệm, đến những tiếng gầm lên của piano như một đối chất trực diện và cả những lần thả nốt cách quãng, êm nhẹ như một hơi thở dài; một khoảnh khắc nào đấy tâm hồn ta sẽ run rẩy trước cách tài năng Mozart đánh vào ta.  

Đi xa hơn, Stuart Feder đã khám phá cuộc đối thoại giữa piano và dàn giao hưởng bản concerto này trong sự liên kết với mối quan hệ giữa Mozart và hình ảnh “người cha độc đoán”. Thế nhưng dù có hay không hình bóng ám trùm của một người cha, một thế lực chuyên quyền đàn áp chính con người đời thật của Mozart, bản concerto thứ 20 này cũng là một trình diễn của xúc cảm bùng nổ, một tác phẩm tiêu biểu của Mozart mà người ta có thể tìm thấy dấu ấn của phong trào Sturm und Drang đã cuốn lấy nhiều nghệ sĩ thời bấy giờ. 

Tổng hợp bởi: Lê Anh Thư

Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791)

Piano Concerto No. 23 in A major, K. 488, I. Allegro

(Concerto cho dương cầm số 23 Giọng La trưởng, K. 488, I. Nhanh, vui)

Piano Solo: Nguyễn Viết Minh Khang, Piano Accompanist: Nguyễn Thị Tuyết Mai

 

Tác phẩm này bắt đầu được viết từ đầu năm 1786, khi Mozart đang soạn vở opera Le nozze di Figaro - vở opera kiệt xuất của ông. Nhưng công chúng Vienna là những người hay thay đổi, ba năm trước họ đã hoan nghênh nhiệt liệt các bản hòa tấu piano của nghệ sĩ trẻ điêu luyện Mozart, nhưng giờ đây hầu như họ không đòi hỏi nhiều hơn nữa. Tuy vậy, Mozart vẫn tiếp tục sáng tác, với niềm tin rằng ông có thể quyến rũ công chúng bằng khả năng vô song của mình với một điều gì đó tươi mới và hấp dẫn.

Và quả thật, có một sự đổi mới trong cả ba bản hòa tấu piano mà ông đã viết ngay cả khi những người bảo trợ cũ của ông đang tìm kiếm những xúc cảm âm nhạc khác: bản lễ hội – và sâu sắc – Piano Concerto in E-flat, K. 482 (Concerto cho dương cầm giọng Mi giáng, K. 482); Đô thứ tối tăm, kịch tính, K. 491; và giữa hai tác phẩm khổng lồ đó, tác phẩm uyển chuyển và duyên dáng này ở giọng La trưởng, tác phẩm êm dịu không kém gì Concerto cho clarinet, sáng tác cho nhạc cụ cuối cùng của ông. K. 488, giống như hai bản gần như cùng thời, được dành cho buổi trình diễn riêng của Mozart và cả ba tác phẩm có lẽ được trình diễn lần đầu tiên trước công chúng tại các buổi hòa nhạc mùa Chay (của Đạo Công giáo) năm 1786. Tất cả vẫn chưa được công bố rộng rãi cho đến khi ông qua đời.

Piano Concerto No. 23 in A major (Bản concerto dành cho dương cầm giọng La trưởng) thay thế những chiếc kèn obo có tông màu sáng thường thấy trong các bản hòa tấu của Mozart bằng kèn clarinet, để tạo ra âm thanh dày hơn, đặc biệt là trong chương chậm đầy đam mê, giàu sắc độ trong phím hiếm của Fa thứ. Nhưng không giống như K. 482 và K. 491, cũng sử dụng kèn clarinet, ở đây không có kèn và trống. Bầu không khí vẫn thân mật, với sự giao thoa giữa các loại khí cụ - sáo, clarinet, bassoon - nâng cao cảm giác âm nhạc thính phòng của hai chương đầu tiên; và mặc dù phần cuối của rondo có thể là một vở kịch khiến người ta mỉm cười khi về nhà, nhưng hầu như không thiếu những nét chấm phá thoáng qua mà thiếu nó thì Mozart đơn giản sẽ không phải là Mozart.

K. 488 có tất cả các đặc điểm của một bậc thầy “già” khôn ngoan, tạo cảm giác như một người đã nhìn và đã nghe thấy mọi thứ và không hối tiếc. Và theo một nghĩa nào đó, Mozart đã già, ở tuổi 30.

Nguồn: Laphil.com | Dịch bởi: Trần Ngọc Dương

Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791)

Sonata for Piano Four Hands in C major, K. 521, I. Allegro

(Sonata cho piano 4 tay Giọng Đô trưởng, K. 521, I. Nhanh, vui)

Primo: Lê Khôi Nguyên, Secondo: Nguyễn Thanh Hoa

 

Soạn phẩm dành cho piano 4 tay – hai người chơi trên cùng một cây dương cầm – khởi phát tại Anh vào đầu thế kỷ 17 và dần được phổ biến rộng rãi khi bước sang giữa thế kỷ 18. Vào những năm 60 của thế kỷ 18, khi vẫn còn là một đứa trẻ/một thanh thiếu niên, Mozart và chị gái của mình (Nannerl) đã mang thế loại này đến gần hơn với công chúng qua những chuyến lưu diễn khắp Châu Âu dưới sự dẫn dắt của người bố Leopold. Một bức hoạ nổi tiếng về gia đình Mozart xuất hiện vào năm 1780 đã phác lại khung cảnh hai chị em ngồi đan chéo tay trên piano, đứng bên cạnh là người bố tựa vào cây vĩ cầm và bức chân dung của người mẹ quá cố treo trên tường. 

Vào thời của Mozart, theo lẽ thường người nữ sẽ chơi ở vị trí primo (quãng cao, thường cấu tạo nên giai điệu chính) và người nam giữ vai trò secondo (quãng thấp, thường là phần đệm bass) – Wolfgang và chị gái cũng thuận theo lẽ ấy, thậm chí có lẽ còn là những người khởi xướng lối chơi này. (Từ năm 1769, khi đã đến độ tuổi thành hôn, Nannerl không còn được phép biểu diễn trước công chúng.) Charles Burney, người nổi tiếng với những quan sát thú vị về đời sống âm nhạc tại Châu Âu, đã đề xuất rằng khi trình diễn một nhạc phẩm piano 4 tay, các quý cô nên cởi bỏ khung váy trong trang phục của mình và không nên xấu hổ khi tay trái thỉnh thoảng chạm vào tay phải của người nam. Đến thời hiện đại vì nhiều lý do khác nhau, những nghệ sĩ trình diễn các bản piano 4 tay – như cặp đôi Alessio Bax và Lucille Chung – có xu hướng trao đổi vai trò dường như được xem là khuôn mẫu trước đó.

Bản Sonata for Piano Four Hands in C major (Sonata cho piano 4 tay Giọng Đô trưởng) gợi mở một bầu không khí duyên dáng và thanh thoát, tựa như bản Eine kleine Nachtmusik mà 2 tháng sau Mozart sẽ soạn tác, và dường như đặt trong đối cực với tính tươi sáng của bản sonata bốn tay viết ở giọng Fa trưởng 10 tháng trước đó. Chương đầu tươi sáng của bản sonata mở ra bằng cách đặt đối sánh một giọng điệu trực diện, khảng khái trong một quãng đồng âm với một hồi đáp tinh tế, ngắt quãng, tuần tự làm nổi bật phần trình diễn của secondo và primo. Mozart bắt đầu chủ đề thứ 2 tinh tế của mình bằng đoạn nhạc với 3 nốt rải đặc trưng tương quan với chủ đề đầu, cùng điểm xuyến bằng những nốt lướt. Trong phần phát triển, ông đã thực hiện một tiểu trình du ngoạn qua những chủ đề và âm bậc mới bao chứa một chút bão giông cùng khoảnh khắc u sầu trước khi trở lại đoạn tái hiện. 

Nguồn: Parlancechamberconcerts | Dịch bởi: Lê Anh Thư

Robert Schumann (1810-1856)

Kinderball, 6 leichte Tanzstücke, Op. 130, IV. Ecossaise, Lebhaft

(Vũ hội cho trẻ em, Sáu vũ điệu dễ thương, Tập 130, IV. Điệu nhảy sống động người Scotland)

Primo: Vũ Hoàng Gia Bảo, Secondo: Lương Vĩnh Thiệu

 

Thời thơ ấu: bình minh của một đời, hừng đông của mỗi số phận người… Trải qua những năm tháng tuổi thơ trong một gia đình đầy gắn kết và nề nếp, Robert Schumann là một cậu bé sáng dạ và ngoan ngoãn. Năm ông sinh ra cũng là thời điểm một hoạ sĩ Lãng mạn người Đức Phillip Otto Runge, người nổi tiếng với những bức tranh về ấu thơ, từ trần. Đến năm 1812, hai anh em Jacob và Wilhelm Grimm xuất bản cuốn “Truyện kể về trẻ em và gia đình”. Theo học tại Leipzig, Schumann cũng tiếp xúc với thần đồng Clara Wieck thời điểm bà mới 8 tuổi, trẻ hơn ông 10 tuổi. Cảm hứng về tuổi thơ dường như xuất hiện trong cuộc đời Schumann như một định mệnh và đã trở thành nguồn nuôi dưỡng cho nhiều sáng tác của ông.

Hầu hết các tác phẩm piano của ông đều viết cho Clara, bao gồm Kinderscenen, Op. 15 (1838), một tác phẩm khúc xạ cái nhìn của người lớn về trẻ thơ. Nhưng tác phẩm sắp được giới thiệu được sáng tác khi ông đã có con riêng, được soạn ra với mục đích làm tư liệu học tập cho các nhạc sĩ trẻ; lẽ thế mà tác phẩm này được sáng tác sao cho dễ tiếp cận - tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc thiếu đi những giá trị nghệ thuật và chất thơ - trái lại, Schumann đã thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa chất thơ và tính mô phạm trong sáng tác này. Khi đã độ tứ tuần, nhà soạn nhạc vẫn khắc ghi hình ảnh chàng thanh niên rồ dại viết thư cho Clara năm 1832: “Những ngày em đi, anh đã đến Ả Rập để kiếm tìm những truyện kể dân gian có thể khiến em hứng thú. Có sáu câu chuyện kể về một người đàn ông bị ám bởi một kẻ giống hệt mình, một trăm lẻ một trò đố chữ, tám câu đố mẹo khôi hài, một vài truyện kể hơi kinh dị về những tên cướp và một truyện kể về hồn ma trắng toát đã khiến anh phải hoảng hốt”. 

Kinderball (Vũ hội cho trẻ em) được sáng tác tại thị trấn Rhineland của Dusseldork, nơi Schumann kế nhiệm vị trí Chỉ đạo âm nhạc của Ferdinand Hiller năm 1853. Đó cũng là năm chính thức đánh dấu sự xuất hiện của một nhà soạn nhạc, nhà văn, nhà báo Schumann; và công việc lúc nào cũng chất chồng không ngơi nghỉ: ông là nhạc trưởng cho dàn giao hưởng và hợp xướng trong thị trấn, đảm nhiệm tổ chức những buổi hoà nhạc thính phòng và mặc dù là mục sư, vẫn chịu trách nhiệm kiểm đọc những bản thánh ca tại hai nhà thờ chánh xứ trọng điểm. Dầu kiệt sức, nhưng Schumann vẫn nỗ lực như một cách hàm ơn đối với thị trấn đã chào đón ông một cách nồng nhiệt. Khoảng thời gian ít ỏi còn lại ông dành cho việc soạn tác cho những chương trình hoà nhạc hay biên soạn các tác phẩm cho dàn nhạc và các bản ballade cho nghệ sĩ độc tấu, ông cũng đã hoàn thiện bản Latin Mass (Op. 147) Requiem (Op. 148). Soạn tác dành cho piano không phải là điều ưu tiên của ông trong giai đoạn này, và chỉ có một tác phẩm được xem là tuyệt tác - trước sự xuất hiện của Gesänge der Frühe, Op. 133 - chính là Phantasiestücke Opus 111.

Tháng chín và tháng mười 1853 là giai đoạn cuối khép lại sự nghiệp sáng tạo của Schumann. Khi ấy, ông bước sang tuổi bốn mươi ba. Thời điểm này chứng kiến sự ra đời của một vài tuyệt tác như Gesänge der Frühe và một vài tác phẩm ít được biết đến hơn như Kinderball (Vũ hội cho trẻ em). Thế nhưng điều đó có đồng nghĩa với việc lãng quên nó bởi sự lấn át của những vũ khúc hội hè đã thành công trước đó? 

Suốt giai đoạn đầy căng thẳng này, Schumann nhận thức được sự lạc lối của bản thân, cảm như nguồn năng lượng sáng tạo đang dần rời bỏ mình. Nhà thơ Jean Paul [Richter], người luôn là người thầy nghệ thuật của ông và là cha đỡ đầu của Eusebius và Florestan, đã viết rằng: “tuyệt vọng là sự tự kết liễu của trái tim”. Và Gilles Deleuze đã mường tượng lại giai đoạn ấy: “những dòng của sự đánh mất ngôn ngữ: im lặng, gián đoạn, và kéo dài như sự giam cầm vĩnh cửu”

Ngày 27 tháng hai năm 1854, tại Dusseldorf, Schumann trầm mình xuống dòng sông Rhine.

Nguồn: Chandos.net | Dịch bởi: Lê Anh Thư

Comments are closed.