Young Talents Concert | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
In The Key Of G Minor (27.8.2023)
10/08/2023
Young Talents Concert (19:30, Thứ 4, 23.8.2023)
18/08/2023

Young Talents Concert | Giới thiệu tác phẩm

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

JOHANN SEBASTIAN BACH (1685-1750)

Allemande & Giga from Partita No. 2 for Solo Violin, BWV 1004
(Allemande & Giga từ Partita Số 2 cho Solo Violin, BWV 1004 )

 

Ít ai biết rằng Johann Sebastian Bach (1685-1750) ngoài là một bậc thầy đàn phím còn là một tay chơi vĩ cầm điêu luyện. Cậu bé Johann Sebastian lớn lên trong tiếng vĩ cầm của cha mình, Johann Ambrosius Bach, và ra mắt công chúng với tư cách là nghệ sĩ vĩ cầm của Dàn nhạc Giao hưởng Cung điện Weimar. Trong một lần trả lời phỏng vấn tiểu sử vào năm 1774, Carl Philipp Emanuel Bach nhớ lại về cha mình: “Từ thời niên thiếu cho tới lúc về già, ông chơi đàn vĩ cầm với một sự trong trẻo và mãnh lực xuyên thấu mà nhờ đó điều khiển được dàn nhạc, một điều có thể khó làm hơn nếu ông chơi đàn harpsichord. Ông ấy nắm rõ tiềm năng của tất cả nhạc cụ bộ dây.”

Bach đã để lại cho các nghệ sĩ vĩ cầm rất nhiều kiệt tác, bao gồm 9 bản sonata cho violin và harpsichord, một số bản concerto, và đóng vai trò trọng yếu trong các bản cantata và passion (bài thương khó). Trong đó đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác nhạc khúc dành cho violin của Bach gồm bộ 6 tác phẩm cho violin độc tấu - 3 bản sonata, 3 bản partita - mà ông hoàn thành vào năm 1720, ngay giữa khoảng thời gian 6 năm làm Capellmeister (Triều-Nghi chủ-sự, Theo Trần Như Vĩnh Lạc, là từ dùng để chỉ một chức vụ đức cao vọng trọng trong triều đình, phục vụ một quân vương hay một đại quý tộc, với một đại Thánh đường địa phương.) cho Hoàng tử Leopold xứ Anhalt-Cöthen. Đây là thời kỳ mà các kiệt tác đua nhau nở rộ, thời kỳ mà Bach cũng đã cho ra đời các tổ khúc cho cello độc tấu, những bản Brandenburg Concerto, và Tập 1 bộ Bình quân Luật.

Partita Số 2 giọng Rê thứ, BWV 1004

Bản Partita giọng Rê thứ bắt đầu với một tổ hợp các điệu vũ cổ điển hoặc có thể nói là tiêu chuẩn nhất, bao gồm một điệu allemande (một điệu nhảy tương đối thảnh thơi ở nhịp 4/4 với một chương gồm các nốt móc kép liên tục), một điệu courante (nhịp 3 và khá nhanh - gần với điệu corrente của Ý hơn là điệu courante chuẩn Pháp bao hàm các nhịp điệu ẩn ý), một điệu sarabande (trang trọng, nhịp 3, với một sự cách biệt rõ ràng giữa nhịp 1 và 2), và 1 điệu gigue (nhanh, với tiết tấu thường là bội số của 3 - trong trường hợp này là 12/8). Tuy nhiên, sau đó Bach cho người nghe một món quà đặc biệt với độ dài bằng tổng độ dài những phần còn lại của bản Partita còn về độ tráng lệ và sức nặng ý nghĩa thì hơn xa. Đây chính là bản Chaconne nổi tiếng, là một loạt các biến thể trên một chuỗi hợp âm 8 ô nhịp. Giữa chừng, Bach cho chạy một chuỗi các biến thể ở giọng Rê trưởng - cuộc chạm mặt đầu tiên và mê hồn của thính giả với cung thể này trong bản nhạc - rồi quay lại với giọng Rê thứ từ ban đầu. Toàn bộ tác phẩm là sự kết hợp phi thường giữa sự uy nghi của kiến trúc tác phẩm với màn trình diễn huyền ảo đầy sức mạnh của cây vĩ cầm.

Nguồn:
James M. Keller, Michael Steinberg, và Steven Ziegler (SF Symphony)

Người dịch: Nguyên Phan

 


 

DMITRY KABALEVSKY (1904-1987)

Allegro molto e con brio from Violin Concerto in C major, Op. 48
(Allegro molto e con brio (sống động, tươi sáng) trong Concerto cho violin giọng Đô trưởng, Tập 48)

 

Dmitri Kabalevsky sinh ra tại thành phố St. Petersburg năm 1904 và là con trai của một nhà toán học. Mặc dù bộc lộ thiên phú âm nhạc từ sớm, phải đến năm 14 tuổi cậu bé mới được cha đồng ý cho theo học âm nhạc chuyên sâu tại Trường âm nhạc Scriabin ở Mát-xcơ-va sau nhiều lần cầu khẩn. Từ những năm tháng vị thành niên đó, Dmitri Kabalevsky bắt đầu dạy đàn dương cầm và viết nhạc cho học sinh, một thú vui mà ông giữ đến suốt đời. Ông nghiên cứu sâu hơn về piano và sáng tác tại Nhạc viện Moscow và tốt nghiệp loại xuất sắc năm 1930.

Năm 1932, Kabalevsky được bổ nhiệm làm giảng viên sáng tác tại Nhạc viện Mát-xcơ-va và sau này trở thành giáo sư sáng tác tại đây. Ông cũng đóng vai trò là biên tập viên cao cấp cho một nhà xuất bản âm nhạc của nhà nước. Ông giữ niềm tin rằng thẩm mỹ nghệ thuật cần phản ánh hệ tư tưởng chính trị và xã hội của Nhà nước. Do đó, tác phẩm của ông thường dùng cấu trúc cổ điển quy chuẩn, hòa âm truyền thống (thi thoảng lắm mới dùng đến nghịch âm - dissonance), những giai điệu dễ nghe, và cấu trúc nhịp điệu mạnh mẽ, dễ đoán. Đây là âm nhạc đại chúng, gần với người nghe, dễ tiếp cận và dễ được công chúng đón nhận. Ông đã sáng tác âm nhạc ở nhiều hình thức - từ hòa tấu và giao hưởng đến nhạc đồng ca, âm nhạc cho radio và phim ảnh, nhạc yêu nước, và tác phẩm piano cho trẻ em. Ông có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy việc tiếp cận âm nhạc ở trẻ nhỏ và học sinh thông qua việc đề ra chương trình giáo dục âm nhạc trong nhà trường Xô Viết.

Ông mất vào tháng Hai năm 1987 ở tuổi 84 trước khi Liên Xô sụp đổ.

Chương thứ nhất của bản hòa tấu violin của Kabalevsky ngắn và không có cadenza (đoạn nhạc dành cho solo với nhịp tự do). Nó bao gồm các nhịp điệu linh hoạt với chủ đề chính xoay quanh một điệu nhạc dân gian Ukraina phổ biến. Được sáng tác năm 1948 nhưng hình thức và nội dung tác phẩm giống như thể được viết từ trước đó nửa thế kỷ. Tác phẩm lãng mạn và du dương như sáng tác của Tchaikovsky và sẽ làm hài lòng khán giả dài lâu. Bản concerto dành cho vĩ cầm này được sáng tác dành cho những nghệ sĩ trẻ tài năng và đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện của nghệ sĩ độc tấu.

Nguồn:
Wilmington Symphony Orchestra, Nick Barnard (Musicweb), Allmusic

Người dịch: Nguyên Phan

 


 

CAMILLE SAINT-SAËNS (1835-1921)

Introduction and Rondo Capriccioso in A minor, Op. 28
(Khúc mở đầu và Rondo Capriccioso giọng La thứ, Tập 28 )

 

Camille Saint-Saëns đã sống một cuộc đời trường thọ và đáng chú ý vì sự phong phú về sở thích và khả năng trí tuệ đa lĩnh vực của mình. Tất nhiên, khi còn nhỏ, tài năng âm nhạc của ông đã sớm được phát hiện, và không chỉ vậy ông còn bộc lộ niềm yêu thích mạnh mẽ với đến hầu hết các môn học – như thiên văn học, khảo cổ học, toán học, tôn giáo, tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp (và có thể còn nhiều hơn nữa). Ngoài cuộc đời sáng tác âm nhạc và trình diễn đàn phím điêu luyện, ông còn thành công với tư cách là một nhà báo âm nhạc, quán quân trong các cuộc thi âm nhạc thời kỳ đầu (Handel và Bach), và là người đi đầu trong việc khuyến khích truyền thống âm nhạc Pháp. Cha ông qua đời khi ông còn là một đứa trẻ và ông trưởng thành với tình yêu to lớn dành cho mẹ. Cuộc hôn nhân ở tuổi tứ tuần của ông với một cô gái chưa trong đôi mươi không kéo dài lâu. Ông chỉ đơn giản là rời khỏi nhà vào một ngày năm 1881 và quyết định không bao giờ gặp lại vợ nữa; bà mất năm 1950 ở tuổi chín mươi lăm. Saint-Saëns tiếp tục sống một cuộc đời sôi nổi, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc của Pháp - với tư cách là nghệ sĩ biểu diễn, nhà soạn nhạc, tác giả, phát ngôn viên và học giả. Ông đi chu du, góp nhặt và nghiên cứu các bản thảo của Handel ở London, tổ chức các buổi hòa nhạc ở Chicago và Philadelphia, đến thăm Uruguay và viết một bài thánh ca cho ngày lễ quốc gia của họ, và đi nghỉ ở quần đảo Canary. Ông kỷ niệm 75 năm hòa nhạc vào tháng 8 năm 1921 ở tuổi 86 và qua đời vài tháng sau đó.

Một trong những đặc điểm nổi bật của Chủ nghĩa lãng mạn như là một phong trào tri thức chính là niềm đam mê với những cái lạ - dù là cái thực sự lạ như những thứ đến từ châu Á và Cận Đông, hay cái được coi là lạ như là bất cứ thứ gì không phải tiếng Pháp hay tiếng Đức. Đó là lý do tại sao có một số lượng lớn các tác phẩm của những nhà soạn nhạc Pháp giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 chứa đựng các yếu tố nhạc của Tây Ban Nha. Trên thực tế, ít nhất có một phần sự thật về âm nhạc trong câu nói quen thuộc, “bản nhạc Tây Ban Nha hay nhất được viết bởi người Pháp.” Chà, ít ra là rất nhiều bản nhạc tuyệt vời mang âm hưởng Tây Ban Nha đã được viết bởi người Pháp, và Saint-Saëns’ Introduction và Rondo Capriccioso là một ví dụ điển hình.

Tác phẩm được viết vào năm 1863 cho nghệ sĩ violin nổi tiếng, Pablo de Sarasate, người mà Saint-Saëns cũng đã viết hai bản concerto cho violin. Sarasate sinh ra ở thị trấn nổi tiếng Pamplona, Tây Ban Nha, quê hương của “cuộc chạy đua bò tót”. Được đào tạo tại Nhạc viện Paris, ông đã tổ chức hòa nhạc khắp nơi trên thế giới trong suốt sự nghiệp của mình và là người cống hiến một số sáng tác cho violin nổi bật nhất thế kỷ. Trong số đó không chỉ có các tác phẩm của chính Saint Saëns, mà còn có Symphonie espagnole của Lalo, Violin Concerto số 2 và Scottish Fantasy của Bruch. Sarasate là một bậc thầy về thẩm mỹ, sở hữu những kỹ năng xử lý giai điệu nhẹ nhàng, kỹ thuật rung nhanh gọn và tạo nên những âm thanh chính xác ở âm vực cao nhất với kỹ thuật tuyệt vời. Và thực sự, tác phẩm của Saint-Saëns là một tác phẩm hoàn hảo - và đầy thử thách - cho những phẩm chất này. Chương mở đầu thể hiện tâm trạng u sầu, và tiếp theo là một khúc cadenza rực rỡ. Chương nhanh diễn ra sau đó là một màn lừa bịp ‘chói lọi’ - theo phong cách Tây Ban Nha một cách rất hài hoà. Saint-Saëns đạt được điều đó với sự đảo phách nhịp nhàng và những giai điệu du dương mang âm hưởng của âm nhạc dân gian Tây Ban Nha. Đặc biệt thú vị và hấp dẫn là sự đan xen của nhịp hai bốn trong phần độc tấu và sáu tám trong phần đệm của dàn nhạc. Đoạn Coda là một cơ hội tuyệt vời để thể hiện kỹ thuật của nghệ sĩ vĩ cầm độc tấu, và chắc chắn không thể không làm hài lòng người nghe.

Nguồn: William E. Runyan

Người dịch: Đỗ Hoàng Minh Nghĩa

 

 


 

NICCOLÒ PAGANINI (1782-1840)

Caprice No. 5 from 24 Caprices for Solo Violin, Op. 1
(Bản caprice số 5 trong 24 bản caprices cho violin độc tấu, Tập 1)

 

Có một điều thú vị là nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng bậc nhất lịch sử, Nicolo Paganini chưa một lần đụng vào vĩ cầm trước năm 7 tuổi. Nhạc cụ đầu tiên ông chơi thực ra là đàn mandolin, và sau đó ông cũng thành thạo guitar. Sinh ra ở Genoa vào ngày 27 tháng 10 năm 1782, ban đầu ông được dạy dỗ bởi cha mình, một người đàn ông hống hách vô cùng. Sau khi mẹ của Paganini kể cho cha ông nghe về một giấc mơ, rằng một thiên thần đã hứa rằng con trai họ sẽ trở thành nghệ sĩ vĩ cầm vĩ đại nhất thế giới, người cha buộc ông luyện tập liên tục dù cho phải bỏ đói. Sau đó ông đã tiến bộ phi thường khi học với nghệ sĩ vĩ cầm nhà hát Cervetto và nhạc trưởng của Nhà thờ Genoa, Giacomo Costa. Nhưng chính chuyến thăm Genoa vào năm 1794 của nghệ sĩ vĩ cầm tài hoa người Ba Lan August Duranowski đã truyền cảm hứng cho ông thử những kỹ thuật violin - loại nhạc cụ mà cho đến đến thời điểm đó vẫn chưa được biết đến ở Ý. Năm 12 tuổi, ông được cha đưa đến Parma, và ở đó ông chủ yếu học sáng tác với Paer vì dường như ông đã tiếp thu mọi thứ có thể biết về chơi vĩ cầm. Được Kreutzer khuyến khích, ông nghiên cứu các tác phẩm vĩ cầm của các nhà soạn nhạc khác, đặc biệt là tác phẩm L'arte del violino của Pietro Locatelli, và chính điều này cùng với kinh nghiệm viết nhạc của bản thân đã truyền cảm hứng cho ông ấy đẩy xa hơn nữa các giới hạn của kỹ thuật vĩ cầm.

Không nghệ sĩ vĩ cầm nào có thể thoát khỏi chúng: Caprices của Paganini. Một chuỗi các tác phẩm tuyệt đẹp gồm 24 tác phẩm dành cho độc tấu vĩ cầm với một kho tàng kỹ thuật khổng lồ.

Với 24 Caprices, Niccolò Paganini bắt đầu mê hoặc khán giả bằng cách chơi thể loại âm nhạc mà mọi người chưa từng trải nghiệm trước đây. Khi còn là một tài năng trẻ, Niccolò đã khiến công chúng bị sốc và phẫn nộ khi bắt chước tiếng các loài động vật bằng cây đàn vĩ cầm của mình, và trong Caprices ông ấy đã chăm chút thêm dựa trên thử nghiệm ấy. Tiếng chim hót, tiếng tù và, tiếng cười, tiếng lừa – tất cả đều được đưa vào cuộc sống thông qua nhạc cụ của ông. Khi nói đến những kỹ thuật đặc biệt và sự khéo léo gần như không thể, 24 Caprices của ông đi xa hơn Locatellis một bước. Những Caprices của Paganini đầy kịch tính. Những đoạn tĩnh lặng và chuyển động thay phiên nhau đột ngột mà không báo trước, cùng với những đoạn bốc lửa, gần như có phần bạo lực.

Độ khó nhằn về kỹ thuật của Caprice số 5 giọng La thứ nằm ở chỗ nó sử dụng hai kỹ thuật kéo vĩ trái ngược nhau. Phần mở đầu và phần kết thúc yêu cầu kéo vĩ legato (liền mạch, mượt mà không gián đoạn) để chơi hợp âm rải tăng dần nhanh kết hợp với thang âm giảm dần, ô nhịp cuối cùng bao gồm một chuỗi nửa cung trải dài trên 48 nốt được chơi trong một lần kéo vĩ. Mỗi ô nhịp của phần giữa này chứa mười sáu nốt móc kép (rất nhanh). Paganini ghi chú rằng chúng cần được chơi saltato (hoặc sautillé trong tiếng Pháp), một cú kéo trong đó vĩ được thả hoặc ném trên dây và được phép nảy lên và bật lại.

Nguồn: NativeDSD, Hyperion Records

Người dịch: Đỗ Hoàng Minh Nghĩa

 


 

HENRI WIENIAWSKI (1835-1880)

Variations on an Original Theme, Op. 15
(Các khúc biến tấu dựa trên chủ đề chính, Tập 15)

 

Henryk Wieniawski chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử diễn tấu violin. Trước hết, ông là một bậc thầy được giới phê bình đương đại và những người yêu mến âm nhạc ví như sự hồi sinh của Nicolò Paganini. Thứ đến, ông là cha đẻ của những tác phẩm đã đứng vững qua thử thách khắc nghiệt của thời gian và xuất hiện cách đặc biệt trong lịch sử violin cũng như các tiết mục trình diễn của nhiều nghệ sĩ vĩ cầm tài ba. Hơn nữa, ông còn là giảng viên tại hai nhạc viện nổi tiếng tại Châu Âu. Và cuối cùng, bản thân ông là một người có cá tính vui tươi và đầy rực rỡ.

The Variations on an Original Theme, Op. 15 được sáng tác năm 1854 và phát hành cùng năm bởi Breitkopf & Hartel tại Leipzig. Nhìn từ góc độ của kỹ thuật biến tấu, hình thức của tác phẩm được sáng tác không tuân theo chuẩn mực của thể loại này.

Chủ đề với 3 bản biến tấu (viết ở cung trưởng) được dẫn nhập bằng âm giai thứ mang dáng dấp của một đoạn giải kết (cadenza). Âm bắc cầu này tái xuất hiện sau những biến tấu, được nối tiếp bằng một đoạn kết mang hình thức một điệu van-xơ tuyệt đẹp và khép lại một cách hoàn chỉnh bằng đoạn coda.

Những khúc biến tấu - như những soạn phẩm khác của Wieniawski - yêu cầu một sự phóng khoáng trong cách chơi hợp âm và quãng tám, sự đa dạng trong kỹ thuật diễn tấu như tách rời tiếng (staccato), lướt âm, và những kỹ thuật điêu luyện khác, cũng như sự trong trẻo khi dạo những âm bồi.

Chủ đề của tác phẩm Chủ đề và Những khúc biến tấu được mở ra bởi những quãng ngắt của nghệ sĩ vĩ cầm, để rồi được đệm âm khi bước vào một âm vực cao hơn. Một đoạn giải kết tuyệt đẹp đã nối kết phần này với những biến tấu tươi vui theo sau và một đoạn chuyển dây ngắn trong chủ đề. Đoạn biến tấu tiếp theo, trước hết không có phần đệm, sử dụng kỹ thuật bật dây (pizzicato) tay trái, sau đó dạo trên những âm vực thấp của violin với phần đệm nhạc. Đoạn nhấn nốt đôi (double-stopping) đánh dấu một cách xử lý chất liệu mới cùng những quãng luyến của âm bồi. Sự trở lại nhẹ nhàng của các chủ đề trước đó dẫn dắt bản nhạc đến những khám phá giàu tính trữ tình trong chất liệu và những biến tấu thướt tha như một điệu nhảy, được chơi với kỹ thuật nảy nốt và hoà âm trong một đoạn kết tuyệt đẹp.

Nguồn: Henryk Wieniawski – Music Society in Poznan; Strings by Mail; Keith Anderson

Người dịch: Lê Anh Thư

 


 

CAMILLE SAINT-SAËNS (1835-1921)

Allegro non troppo from Violin Concerto No. 3 in B minor, Op. 61
(Allegro non troppo (nhanh vừa phải) trong Concerto số 3 cho violin giọng Si thứ, Tập 61)

 

Saraste là nguồn cảm hứng sáng tác cho bản concerto cuối cùng được Saint-Saëns soạn cho violin vào năm 1880. Sau hai mươi năm kể từ bản concerto đầu tay viết ở giọng Rê thứ, ông đã soạn thêm bốn concerto khác (Số 2, 3 và 4 viết cho piano, và bản số 1 cho cello). Trong suốt hành trình ấy, ông cũng khám phá ra cách thức viết nên những giai điệu dễ dàng lưu lại trong tâm trí, điều vốn là đặc trưng cho những sáng tác lớn của ông, và phát triển một phong cách hòa âm đầy rực rỡ, lãng mạn, với những khúc chuyển điệu bao trùm điệu tính, và thường thay thế những hợp âm và nốt xa lạ bằng những âm điệu gần gũi với người nghe.

Trong chương 1, Saint-Saëns dẫn ta vào chủ đề thứ hai đầy sức gợi và trữ tình, bằng giọng Mi trưởng chứ không phải Son trưởng mà ta hằng chờ đợi, ta tưởng như được bước vào một thế giới thần bí, hoàn toàn khác biệt với những đam mê bộc trực được biểu lộ trong những đoạn nhạc đầu. Xúc cảm choáng ngợp được gợi ra từ âm giai Si thứ, điều ắt đã truyền cảm hứng cho Elgar và Bartók sáng tác những bản violin concerto sau này (Số 2), được tô đậm bởi nhịp barcarolle dịu nhẹ dẫn ta vào chương thứ hai, dù được viết ở giọng Si giáng trưởng hoàn toàn xa lạ vẫn tạo nên một đoạn chuyển âm đầy mượt mà.

Một trong những điều ấn tượng nhất của bản concerto này là cách thức Saint-Saëns đan cài vào tác phẩm những yếu tố mang tính kỹ thuật cao. Những kỹ thuật điêu luyện không còn được phô diễn tách biệt trong những đoạn theo phong cách ca khúc (cantabile) hay đoạn chuyển giao mà ở bất kỳ thời điểm nào nhằm gia tăng độ kịch tính và kích thích, hay trở thành những điểm xuyến tế vi trong bản nhạc. Hẳn rằng Saint-Saëns là một “gã biết tuốt”. Trong tác phẩm đầy sống động và thần bí này, ông hiện lên không chỉ với tư cách một thầy phù thuỷ với kỹ thuật bậc thầy. Ông biết cách để mê hoặc và lay động tất cả chúng ta.

Nguồn: Hyperion Records

Người dịch: Lê Anh Thư

 

 


 

MANUEL PONCE (1882-1948)

Estrellita (arranged by Jascha Heifetz)
(Ngôi sao nhỏ (chuyển soạn bởi Jascha Heifetz))

 

Ngoài danh hiệu một học giả và nhà giáo dục xuất chúng, Manuel M. Ponce (1882-1948) còn là một trong những nhà soạn nhạc lớn của Mexico vào thế kỷ 20. Đóng góp quan trọng nhất của ông trong vai trò nhạc sĩ là người tạo nên mối giao duyên giữa phòng hòa nhạc và những bài hát dân gian Mexico. Dù soạn nhiều tác phẩm cho piano, nhạc thính phòng, và giao hưởng nhưng nổi bật nhất trong sự nghiệp của ông vẫn là những tác phẩm viết cho guitar, những bài dân gian cách điệu, và các ca khúc truyền thống. Một ví dụ điển hình cho những sáng tác sau này là ca khúc “Estrellita” (1912) được Ponce soạn lời. Dù phù hợp với nhiều giọng ca, ca khúc này thường được trình diễn bởi những giọng soprano đầy trữ tình. Chất giọng này tạo nên một ấn tượng khó quên bởi giai điệu ngọt ngào với những quãng lên cao đầy uyển chuyển. Đấy chính là khoảnh khắc người nghệ sĩ tâm sự với “estrellita” (ngôi sao nhỏ) rằng nàng sẽ chẳng thể sống nếu tình yêu của mình không được đáp lại, và ngôi sao kia phải xuống mà cho hay liệu chàng trai kia có rung động với nàng dù chỉ một chút không.

Mềm mại, lãng mạn và đầy tình tứ, tưởng như giai điệu này đã luôn ấp ủ nơi tâm hồn mỗi người trong suốt cuộc đời - đó chính là Estrellita, là một trong những “ngôi sao nhỏ” lấp lánh nhất trong thế giới âm nhạc.

Theo lời truyền tụng được chấp nhận rộng rãi, giai điệu đầy xúc cảm của Estrellita đến với Ponce trong một cơn hứng khởi đầy trữ tình trong khoảnh khắc ông đang yên tĩnh ôm ấp người vợ. Và có lẽ bạn cũng không muốn xác nhận tính chân thực của câu chuyện được truyền tụng này đâu.

Estrellita được trình diễn bởi nhiều nghệ sĩ từng đắm chìm trong tình ái và đã trở thành cầu nối giữa nhiều nền văn hóa trên toàn thế giới. Khi Jascha Heifetz, nghệ sĩ vĩ cầm người Mỹ gốc Nga và Do Thái, trình diễn bản nhạc này năm 1939 tại Hollywood, ông đã mang nó đến không chỉ với hàng triệu khán giả Mỹ mà cả những thế hệ nghệ sĩ vĩ cầm sau,những người trân trọng chúng như những tuyệt phẩm của Fritz Kreisler.

Nguồn: Lyric – Opera of Chicago; Michael Clive – Utah Symphony

Người dịch: Lê Anh Thư

 

 


 

ERICH WOLFGANG KORNGOLD (1897-1957)

Moderato mobile from Violin Concerto in D major, Op. 35
(Moderato mobile (vừa phải) trong Concerto cho violin giọng Rê trưởng, Tập 35)

 

Như bản hoà tấu violin giọng Mi thứ nổi tiếng của Mendelssohn, tác phẩm hoà tấu của Korngold đã đạp đổ “giai thoại” về một thần đồng âm nhạc vụt mất thiên phú ngay khoảnh khắc anh ta từ giã thời thơ ấu rực rỡ. Chiếc nôi văn hoá Viên đã nuôi dưỡng Korngold là nơi mà một nửa tin rằng những nghệ sĩ vĩ đại là người được trao ban khả năng làm chủ tuyệt đối với các kỹ thuật âm nhạc, và nửa còn lại nghĩ về họ với những hình thức biểu hiện phong phú. Vì thế, sinh trưởng trong thời điểm hậu Wagner và dưới cái bóng đổ dài của Strauss và Mahler, chàng nhạc sĩ trẻ Korngold đã thể hiện khả năng thiên phú trong việc soạn tác, kỹ thuật xử lý giọng và nhạc cụ điêu luyện, cũng như sự ám cuồng theo đuổi những hình thức biểu hiện đong đầy tính trữ tình.

Sở hữu một phong cách âm nhạc mang đậm tính Hollywood là điều ta có thể khẳng định khi nhìn lại các tác phẩm của ông, nhưng cũng phải nhớ thêm rằng sự tinh tế và năng lượng lãng mạn đặc trưng của nhạc phim vào những thập niên 30, 40 phần lớn bắt nguồn từ Korngold và những người di dân từ các nhà hát Âu Châu. 23 bản nhạc phim của Korngold, hầu hết được soạn cho nhà Warner Bros., đã không phụ lòng truyền thống Viên đã nuôi lớn ông theo như nhiều nhà phê bình nhận định, mà còn là sự vun đắp thêm cho cảm quan về cái đẹp mà ông đã luôn tin vào.

Trái lại, công việc tại phòng thu đã làm phong phú thêm cho các bản giao hưởng của ông. Không tác phẩm nào khắc họa rõ điều này hơn bản Hoà tấu Violin, với 3 chương nhạc khai thác những chủ đề được khắc họa trên màn ảnh từ năm 1937 đến 1939. Hay chính những bản nhạc phim được lấy cảm hứng từ bản hoà tấu? Mặc dù nghệ sĩ vĩ cầm Huberman đã khẳng định mối liên kết trên, nguồn gốc của bản Hoà tấu vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Vào năm 1945, khi Korngold quyết định viết chương cuối cho tác phẩm, Huberman đã bước qua những năm đỉnh cao trên chặng đường sáng tác của mình, và Heifetz là người được tín nhiệm để thực hiện buổi diễn đầu tiên. Buổi biểu diễn được thực hiện tại St. Louis vào ngày 15 tháng 2 năm 1947, được tiếp nối ngay sau đó bằng những buổi biểu diễn tại Chicago và New York. Vào năm 1953, Heifetz đã thực hiện một bản thu hoàn hảo với Los Angeles Philharmonic, và tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hề bị soán ngôi dù nhiều bản ghi âm chất lượng đã được thực hiện trong những năm gần đây.

Korngold đã lựa chọn âm giai yêu thích của hầu hết các bản hoà tấu violin (Rê trưởng) và cấu trúc 3 chương quen thuộc. Sáng tác theo lối truyền thống, chương đầu khởi phát bằng chất trữ tình để rồi được tiếp nối bằng tinh thần đầy năng lượng, chương hai là một khúc Romance duyên dáng trong giọng Son, và chương cuối khuấy lên sự sôi động cùng hứng khởi thấp thoáng dáng hình của một điệu nhảy dân gian. Tác phẩm này đòi hỏi ở người nghệ sĩ độc tấu một kỹ thuật điêu luyện bởi hầu hết phần trình diễn đều được viết ở âm vực cao, nơi mà chỉ riêng violin, người ta có thể tìm đến chất giọng trong trẻo của thiên thần.

Nguồn: Hugh Macdonald (LA Phil)

Người dịch: Lê Anh Thư

 

 

Comments are closed.