WALDSTEIN | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
Melodies & Memories (8.7.2023)
27/06/2023
Melodies & Memories | Giới thiệu tác phẩm
04/07/2023

WALDSTEIN | Giới thiệu tác phẩm

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

LUDWIG VAN BEETHOVEN (1770 - 1827)

Piano: Nguyễn Đức Anh

1. Sonata cho piano Op. 27 Số 1 giọng Mi giáng trưởng (1801) “Sonata gần giống như một bản Fantasy”

(Piano sonata op. 27 No. 1 in E-flat major “Quasi una fantasia”)

1. Andante (E♭ major)

2. Allegro molto e vivace (C minor)

3. Adagio con espressione (A♭ major)

4. Allegro vivace (E♭ major)

Piano Sonata số 13 giọng Mi giáng trưởng, Op. 27 No. 1 là bản đầu tiên trong bộ hai piano sonata thuộc Opus 27. Bản còn lại là sonata "Ánh trăng" nổi tiếng (Op. 27 No. 2). Beethoven đã hoàn thành hai bản nhạc này trong những năm 1800-01 và dành tặng mỗi bản cho một nhân vật khác nhau. Với bản sonata Op. 27 No. 1 này, ông đã đề tặng cho một trong những học trò của mình, Công chúa Josephine von Liechtenstein.

Công chúa Josephine von Liechtenstein

Kể cả đối với một người thường xuyên phá vỡ những tiêu chuẩn như Beethoven, bộ hai piano sonata Op. 27 này cũng có thể xem là mang những thể nghiệm hết sức đột phá, gây bất ngờ cho cho công chúng. Cả hai bản nhạc được đặt tiêu đề là “Sonata quasi una fantasia”, theo tiếng Ý nghĩa là “theo phong cách huyền ảo”. Mặc dù chúng ta không thể biết chính xác lý do Beethoven đặt tiêu đề như vậy, nhưng trong trường hợp tác phẩm này, toàn bộ bản sonata được chơi liên tục không nghỉ giữa các chương, mỗi chương sẽ chuyển ngay sang chương tiếp theo, tương tự như lối tiến hành của thể loại fantasia. Điều này làm mờ đi ấn tượng rằng mỗi chương nhạc là một đơn vị riêng biệt. Các chương nhạc cũng không theo thứ tự thông thường của sonata; Chương một vốn thường là chương nhanh thì lại là chương chậm; Còn chương chậm và chương scherzo lại đổi vị trí cho nhau. Mỗi chương mang một sắc thái riêng biệt, đối lập với chương trước đó khiến cho cảm xúc của tổng thể tác phẩm biến đổi không ngừng nghỉ, với một số đoạn bất ngờ không thể đoán trước.

Tương tự như Piano Sonata số 12, không có một chương nào trong tác phẩm này được viết theo hình thức sonata. Bên cạnh đó, chương ba được hết nối với chương bốn bởi một đoạn cadenza (là đoạn nhạc mang tính ngẫu hứng thường ở cuối chương nhạc dành cho nghệ sỹ khoe kỹ thuật). Ở cuối chương bốn, tám ô nhịp ở chương ba được quay trở lại, đánh dấu lần đầu tiên việc trích dẫn trở lại xuất hiện trong thể loại piano sonata. Beethoven cũng đã làm điều tương tự trong giao hưởng số 5 khi cho một phần của chương ba trở lại trong chương cuối. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên chương cuối được Beethoven mở rộng trở thành chương dài nhất trong tác phẩm thay vì chương một, thiết lập một tiêu chuẩn mới mà ông đã tiếp tục sử dụng trong những tác phẩm sau này, như trong các piano sonata số 14, 28, 29, 30, 31 và 32.

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc |
Nguồn:
Sách “Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời” (2003) &
Ấn bản Ricordi (A. Casella hiệu đính) 

 


 

2. Sonata cho piano Op. 2 Số 1 giọng Fa thứ (1796)

(Piano sonata Op. 2 No. 1 in F Minor)

1. Allegro (F minor)

2. Adagio (F major)

3. Minuet. Allegretto (F minor) - Trio (F major)

4. Prestissimo (F minor)

Bản Piano Sonata số 1 giọng Fa thứ, Op. 2 No.1 được Ludwig van Beethoven sáng tác năm 1795, thuộc giai đoạn sáng tác đầu tiên của ông. Đây là bản nhạc đầu tiên trong bộ ba piano sonata (Op. 2 số 1, 2 và 3) dành tặng cho Joseph Haydn, thầy dạy sáng tác của Beethoven trong những năm trẻ tuổi. Điều thú vị là mặc dù được xếp đứng đầu tiên trong danh sách 32 piano sonata, nhưng bản sonata số 1 này lại không phải là bản sonata đầu tay của Beethoven. Trước nó, các bản piano sonata số 10, số 20 (cùng Op. 49) và 3 sonatine WoO 47 đã được ông hoàn thành.

Chân dung Ludwig van Beethoven năm 1801

Ngay khi ra mắt, bộ ba piano sonata thuộc Op. 2 này đã gây tiếng vang vì đi ngược hoàn toàn với kỳ vọng quen thuộc của công chúng. Kiểu mẫu thông thường là xếp hai tác phẩm ở giọng trưởng cùng một tác phẩm ở giọng thứ, tuy nhiên Beethoven đã phá vỡ truyền thống bằng cách đặt bản sonata ở điệu thứ lên trước. Ngoài ra, bên cạnh ba chương quen thuộc theo thứ tự nhanh-chậm-nhanh của hình thức tác phẩm piano sonata, ông cũng thêm vào một chương mang tính chất điệu nhảy tương tự như trong các tác phẩm giao hưởng và hòa tấu thính phòng, từ đó thiết lập hình thức sonata bốn chương thành một chuẩn mực. Bên cạnh đó, với việc sử dụng một nét giai điệu uốn lượn nhỏ ở ô nhịp thứ hai làm motif phát triển, Beethoven đã hình thành một kỹ thuật sáng tác tiến bộ, báo trước các tác phẩm sau này sẽ được cấu tạo nên hoàn toàn chỉ từ những motif nhỏ. 

Mặc dù bản nhạc được dành tặng cho Haydn, nhưng trong lời đề tặng, Beethoven đã không ghi rõ rằng Joseph Haydn là thầy của mình, bất chấp đó là một cử chỉ ứng xử chuẩn mực trong xã hội thời đó. Điều này có thể được xem là một dẫn chứng cho thấy mối quan hệ tương đối phức tạp giữa hai nhạc sĩ vĩ đại của thời kỳ Cổ điển Vienna. Trên thực tế, tuy cả hai vẫn giữ mối liên hệ tốt với nhau cho đến khi Haydn qua đời năm 1809, nhưng Beethoven cho rằng ông không học được gì từ Haydn. Bộ ba bản Piano Sonata Op. 2 được xuất bản năm 1796 bởi Artaria, nhà xuất bản hàng đầu ở Vienna thời kỳ đó thường xuất bản các tác phẩm của Mozart và Haydn. 

Vì có cùng giọng với “Appassionata” Sonata (số 23), nên sau này sonata số 1 được đặt cho biệt danh là “Little Appassionata”. Bản thân Beethoven được ghi nhận là rất thích chơi tác phẩm này trong những buổi diễn của ông và nó vẫn là tác phẩm ông yêu thích trong suốt cuộc đời.

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc |
Nguồn:
Sách “Beethoven và cuộc đời”&
Ấn bản Ricordi (A. Casella hiệu đính) 

 


 

3. Sonata cho piano Op. 78 giọng Fa thăng trưởng (1810) “Tặng Therese”

(Piano sonata Op. 78 in F-sharp Major "A Thérèse")

1. Adagio cantabile - Allegro ma non troppo (F♯ major)

2. Allegro vivace (F♯ major)

Piano Sonata số 24 giọng F thăng trưởng, Op. 78 được Ludwig van Beethoven sáng tác năm 1809, bốn năm sau sự thành công rực rỡ của Piano Sonata số 23 “Appassionata”. Tác phẩm được dành tặng cho nữ bá tước Thérèse von Brunswick, vì thế còn được gọi là "à Thérèse".

Chân dung Thérèse von Brunswick (1775-1861)

Rất khác với bản piano sonata số 23 “Appassionata” liền trước đó,  "à Thérèse" sonata đặc trưng với giai điệu mượt mà, lãng mạn, như một lời thổ lộ tình yêu. Một số suy đoán cho rằng nữ bá tước Thérèse von Brunswick chính là “người tình bất tử” trong những bức thư tình chưa bao giờ được gửi đi của Beethoven. Theo Carl Czerny, một người học trò lỗi lạc của ông, chính bản thân Beethoven chọn ra hai tác phẩm kể trên là hai bản piano sonata mà ông yêu thích nhất. Với điệu tính phức tạp Fa thăng trưởng, Sonata số 24 Op.78 cũng có thể được xem như một chuyến du ngoạn kỳ thú trên những phím đen của phím đàn piano. Với sáu dấu thăng, điệu tính này cho đến ngày nay vẫn là một giọng “khó chơi” và hiếm khi được các nhạc sĩ chọn để sáng tác. Đây cũng là tác phẩm duy nhất của Beethoven được sáng tác ở giọng này. 

Cùng với Op.79, tác phẩm này nằm trong những bản piano sonata cuối cùng của giai đoạn giữa trong sự nghiệp sáng tác của Beethoven, hay còn gọi là giai đoạn “Anh hùng”. Tác phẩm gồm hai chương với quy mô tương đối nhỏ, với độ dài thường được biểu diễn cho cả hai chương chỉ khoảng từ 8 đến 9 phút. Chương hai được ông viết ở hình thức biến tấu dựa trên phần kết của bản nhạc yêu nước nổi tiếng của nước Anh, "Rule, Britannia!".

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc |
Nguồn:
Bài giảng của András Schiff tại Wigmore Hall (2004 - 2006)

 


 

4. Sonata cho piano Op. 53 giọng Đô trưởng (Bình minh)

(Piano sonata Op. 53 in C Major “Waldstein”)

1. Allegro con brio (C major)

2. Introduzione. Adagio molto (F major)

3. Rondo. Allegretto moderato - Prestissimo (C major)

Các tác phẩm viết cho piano của Ludwig van Beethoven thường chứa đựng rất nhiều những đột phá mạnh mẽ, mở đường cho các nhà soạn nhạc sau này thử nghiệm và khám phá những khả năng lớn lao mà cây đàn piano có thể mang lại. Trong số đó, bản Piano Sonata số 21 giọng Đô trưởng, Op.53 chính là một điển hình. Bản sonata này còn được gọi là "Waldstein" Sonata, được sáng tác dành tặng cho Bá tước Ferdinand Gabriel von Waldstein, một người bạn thân thiết và cũng là người bảo trợ cho Beethoven. Bản nhạc hoàn thành năm 1804, và được xem là một trong những tác phẩm quan trọng đầu tiên của thời kỳ sáng tác thứ 2, hay còn gọi là thập kỷ “Anh hùng” của ông (1802–1812).

Cũng như các bản sonata khác trong thời kỳ này, “Waldstein” Sonata được biết đến với sự kịch tính trong âm nhạc, được tạo nên bởi những chỗ cường độ rất mạnh và những đoạn nhạc phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao. Beethoven được cho là đã nói rằng phần mở đầu của bản nhạc nên được chơi như một “cơn cuồng phong”. Với chỉ dẫn này, một số nghệ sĩ đã thể hiện một năng lượng hết sức mạnh mẽ, gần như là điên cuồng ngay từ những ô nhịp đầu tiên. Chương cuối của tác phẩm được ông sáng tác ở hình thức Rondo, một hình thức đặc thù với một chủ đề âm nhạc được lặp lại nhiều lần xen kẽ giữa những phân đoạn đối lập. Chủ đề chính của bản rondo này được biết đến với năng lượng dồi dào cùng với những cảm xúc mãnh liệt mà nó đem lại thông qua những đoạn nhạc đòi hỏi tính điêu luyện của người nghệ sĩ.

Bình Minh Trên Vịnh Morbihan, Tranh của Albert Safiullin

Cho đến ngày nay, “Waldstein” Sonata vẫn là một trong những tác phẩm piano yêu cầu kỹ thuật cao nhất, chứa đựng những đoạn nhạc tốc độ nhanh, phức tạp, yêu cầu độ chính xác cực kỳ cao từ người biểu diễn. Tác phẩm cũng thường xuyên được sử dụng như một tiêu chuẩn để đo lường khả năng kỹ thuật của một nghệ sĩ dương cầm. Bản sonata cũng đã được xuất hiện trong khá nhiều bộ phim, có thể kể đến "The Age of Adaline" và "Immortal Beloved”. Nhiều phiên bản của bản nhạc cho các nhạc cụ khác nhau như guitar, cello và cả phiên bản cho dàn nhạc giao hưởng cũng đã được thực hiện, cho thấy sức ảnh hưởng của nó trong nền văn hóa của chúng ta ngày nay.

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc |
Nguồn:
Sách “Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời” (2003) &
Bài giảng của András Schiff tại Wigmore Hall (2004 - 2006)

Comments are closed.