Melodies & Memories | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
WALDSTEIN | Giới thiệu tác phẩm
28/06/2023
Nguyễn Thảo Nguyên
04/07/2023

Melodies & Memories | Giới thiệu tác phẩm

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

FRANZ LISZT (1811-1886) / ROBERT SCHUMANN (1810-1856)

Liebeslied ‘Widmung, von Robert Schumann’, S566 (1848)

(Khúc tình ca "Dâng hiến" của Robert Schumann, S566)

Piano: Lữ Hoàng Thịnh

 

 

Năm 1840 là “năm của những bài ca” (Liederjahr) của Robert Schumann. Sau 10 năm gần như chỉ sáng tác cho piano, năm 1840 đã chứng kiến sức mạnh bùng nổ của Schumann trong thể loại Nhạc thơ Đức (Lieder) khi ông sáng tác hơn 100 tác phẩm.

Trong đó, tuyển tập bài hát Myrthen (Mê ly) Op. 25 có ý nghĩa đặc biệt với nhà soạn nhạc. Đây là món quà cưới ông dành tặng cho vị hôn thê của mình - nghệ sĩ dương cầm Clara Wieck - người ông lấy làm vợ vào ngày 12 tháng 9 năm 1840, chỉ một ngày trước sinh nhật tuổi 21 của nàng. Hoa "Hương đào" trong tên tuyển tập là một trong những biểu trưng của nữ thần tình yêu Aphrodite, cũng tượng trưng cho hôn nhân của hai người.

Tác phẩm đầu tiên trong tuyển tập, Widmung “Dâng hiến” được viết dựa trên một bài thơ tình của Friedrich Rückert (1788-1866). Niềm khao khát gắn bó mãnh liệt của chàng trai đang yêu với người mình yêu được khẳng định bằng sự lặp lại thường xuyên của từ "Em" trong hầu hết mọi dòng thơ:

Em là linh hồn, là trái tim tôi
Em là niềm vui, là nỗi đau tôi
Em là cả thế giới mà tôi đang sống…

Bài hát của Schumann bắt đầu bằng niềm vui sướng trọn vẹn, được khơi gợi qua một loạt hợp âm rải gợn sóng dẫn đầu bằng nhịp điệu chấm phá, biểu thị cho nhịp tim hối hả dập dồn.

Quãng giữa rung lên với sự nhịp nhàng của bộ ba, nhấn mạnh sự liên tưởng của lời bài hát tới sự an yên và thiên đường (“Em được ban tặng cho tôi từ Thiên đường”).

Nguồn: Tristan Teo

Người dịch: Tôn Thất Quang

FELIX MENDELSSOHN (1809-1847)

Fantasia in F sharp minor ‘Sonate écossaise’, Op. 28 (1834)

(Fantasy Giọng Fa thăng thứ 'Sonate écossaie', Tập 28)

Primo: Nguyễn Thảo Nguyên

 

Bên cạnh các nhà soạn nhạc người Đức thế kỷ 19 khác như Beethoven, Schubert, Schumann, Brahms và Bruch, Mendelssohn cũng bị cuốn hút bởi nền âm nhạc dân gian , lịch sử và văn học Scotland. Mendelssohn là người duy nhất trong sáu người đã đến thăm Scotland,vào mùa hè năm 1829 khi ông 20 tuổi và tìm được cảm hứng cho bản giao hưởng Scotland của mình tại Nhà thờ Holyrood ở Edinburgh cùng khúc mở màn 'Hebrides' (còn được biết đến với tên khúc mở màn Fingal’s Cave ('Hang động Fingal’) trên hòn đảo cô độc Staffa ngoài khơi bờ biển Mull thuộc Hebrides. Nhưng rất lâu trước khi thực hiện chuyến bộ hành nổi tiếng đến Scotland vào năm 1829, ông đã đọc thơ và tiểu thuyết của 'bậc thầy phù thủy vĩ đại' của phương Bắc, Ngài Walter Scott, và quen thuộc với những bài thơ của 'Ossianic', một trong những tác phẩm giả tưởng văn học nổi tiếng của thế kỷ XVIII.

Vào đầu những năm 1820, ông soạn hai bản nhạc không mấy hấp dẫn dựa trên những câu thơ trong thiên sử thi Scotland. The Lady of the Lake (bao gồm Ave Maria, cũng đã được Schubert soạn). Sau đó, có thể là vào năm 1828 hoặc đầu năm 1829, nhà soạn nhạc trẻ tuổi đã thử sức với tác phẩm quy mô lớn đầu tiên được lấy cảm hứng từ một đất nước Scotland mà ông chưa từng chiêm ngưỡng hay trải nghiệm.

Fantasia gồm ba chương Giọng Fa thăng thứ, Op. 28, cuối cùng đã được phát hành vào năm 1834, ban đầu được xem như một 'Sonate écossaise' (sonata phong cách Scotland), đã được đề cập trong thư từ trong nội bộ gia đình từ đầu năm 1829. Bốn năm sau đó, đầu năm 1833, Mendelssohn đã sửa đổi tác phẩm này, vẫn giữ tiêu đề 'Sonate écossaise', nhưng sau đó đã xuất bản nó vào năm tiếp theo dưới dạng một Fantasia, mà không còn hơi hướng Scotland.

Trong ba chương - chậm, vừa phải và rất nhanh - cấu trúc rộng lớn của nó gợi nhớ tới một tác phẩm của nhà soạn nhạc người Đức vốn đã thách thức ranh giới của 2 thể loại fantasy và sonata - 'Sonata quasi una fantasia' nổi tiếng của Beethoven hay còn được biết tới rộng rãi với tên gọi 'Ánh trăng'. Dù vậy, Mendelssohn đã nắm bắt được những nét đặc trưng của âm nhạc dân gian Scotland và tái hiện nó trong những đoạn mở đầu giống như đàn hạc, sử dụng hiệu ứng điệu đơn và hợp âm với các hợp âm rải đều. Phần kết thúc của chương đầu tiên, một đoạn đặc biệt đáng nhớ, sử dụng pedal mở để tạo ra hiệu ứng làm mờ một cách hài hòa có chủ ý. Chương hai, viết ở hình thức A-B-A, chứa các yếu tố Scotland hay không vẫn còn là một câu hỏi mở; nhưng phần kết thúc sôi động, đầy năng lượng đã tạo ấn tượng và nhìn vào tương lai với phần kết thúc 'đầy tình hiếu chiến' của Giao hưởng Scotland.

Nguồn: R Larry Todd

Người dịch: Lê Phương Trinh

FRANCESCO PAOLO TOSTI (1846-1916)

La Serenata (~1890)
(Khúc nhạc chiều)

Tenor: Thien Phamtastic; Piano: Đặng Trí Dũng

 

Nhà soạn nhạc người Anh gốc Ý Francesco Paolo Tosti có một chuyện đời đầy sóng gió thăng trầm, từ nghèo khó đến giàu sang. Sự nghiệp nghệ sĩ vì cầm đầy hứa hẹn của ông đã sớm bị dập tắt bởi sức khỏe ngày một yếu đi. Điều này khiến ông trở nên nghèo đến mức chỉ đủ để mua những trái cam và sống bằng những ổ bánh mì cũ kỹ. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ tình cờ với một thành viên Hoàng tộc đã cho ông đủ tiền tài và danh vọng để du hành đến đất nước Anh mù sương, nơi ông đã viết nên những bài ca vô cùng nổi tiếng đến mức chỉ sau vài năm đã được phong tước Hiệp sĩ bởi "người bạn" của mình, Vua Edward VII. Đến năm 1906, ông trở thành một trong những nhạc sĩ sáng tác ca khúc nổi tiếng nhất trên thế giới, với mức thù lao đáng kinh ngạc. "La serenata" là một trong những giai điệu nổi tiếng nhất của ông.

Bay lên đi, ôi khúc nhạc chiều,
Người tôi yêu một mình
Với mái đầu xinh đẹp ẩn mình
Dưới lớp màn kia
Ôi bản tình ca, bay lên đi.
Ôi bản tình ca, bay lên đi.

Ánh trăng trong lành
Sải cánh im lặng trải dài
Và sau tấm rèm của góc khuất tối tăm
Ngọn đèn tỏa sáng
Ánh trăng trong lành tỏa sáng
Ánh trăng trong lành tỏa sáng

Bay lên đi, ôi bản tình ca,
Bay lên đi, ôi bản tình ca,
Ah! là. Ah! là.

Bay lên đi, ôi bản tình ca,
Người tôi yêu một mình
Môi mỉm cười trong giấc ngủ nông
Vươn mình sau tấm màn trong
Ôi bản tình ca, bay lên đi
Ôi bản tình ca, bay lên đi.

Những con sóng mơ màng trên bãi biển,
và gió thổi qua những cành cây;
và những nụ hôn tôi dành không dệt nên tổ ấm
bên người con gái tóc vàng.

mơ màng trên bãi biển, như những con sóng vỗ
mơ màng trên bãi biển, như đợt sóng rì rầm
Bay lên đi, ôi bản tình ca,
Bay lên đi, ôi bản tình ca,
Ah! là. Ah! là.

Nguồn: lso.shorthandstories.com

Người dịch: Tôn Thất Quang

GABRIEL FAURÉ (1845-1924)

3 Songs Op. 23, No. 1: “Les berceaux” (Cradles) (1879)
(3 ca khúc Tập 23, Số 1: Khúc đưa nôi)

Tenor: Thien Phamtastic; Piano: Đặng Trí Dũng

 

Nhà soạn nhạc người Pháp Gabriel Fauré thường được ví như chiếc cầu nối giữa trường phái Hậu Lãng mạn và Ấn tượng. Ca khúc "Les Berceaux" (Khúc đưa nôi) ra đời vào năm 1882 trong thời điểm mà Fauré đang phát triển phong cách sáng tác sử dụng hòa âm theo điệu thức, thang âm và các hợp âm thay đổi để đạt được các âm sắc mong muốn khác nhau.

Một khoảnh khắc vô cùng xúc động được Fauré ghi lại một cách chân thực trong bài hát “Les berceaux” là khi những chiếc thuyền bắt đầu nhổ neo rời khỏi bến cảng, cảnh chia ly nghẹn ngào lúc các thủy thủ đoàn sắp phải rời xa gia đình mình. Âm nhạc của ông đã khắc họa được nỗi đau và sự cô đơn khi phải rời xa những người yêu thương, hòa cùng âm thanh không ngừng của biển cả.

Từ những khuông nhạc đầu tiên, ta nghe thấy nhịp điệu reo vang của biển qua phần đệm piano. Rồi giọng hát cất lên, lẻ loi nhưng ấm áp, nương theo những gợn sóng tượng trưng cho những chiếc thuyền lớn mang đoàn thủy thủ lướt đi nhẹ nhàng dưới gió cảng mà không quay đầu nhìn lại những người phụ nữ cô đơn đứng bên bờ, đung đưa những đứa con nhỏ theo cùng nhịp. Trong bản gốc, sau phần mô tả này, giọng hát sẽ ngân vang với một dải âm rộng hơn khi câu chuyện bắt đầu. Một ngày nào đó, những hình ảnh này như một bức tranh tĩnh lặng, sẽ không còn đứng yên khi những con tàu rời cảng. Và những người đàn ông, hứng thú bởi cuộc phiêu lưu sẽ để lại những người phụ nữ đầy nước mắt lại phía sau.

Nguồn: blog.carus-verlag.com

Người dịch: Tôn Thất Quang

RICHARD STRAUSS (1864-1949)

5 Lieder, Op. 32, No. 1: Ich trage meine Minne (1896)
(5 ca khúc, Tập 32, Số 1: Tôi mang trong mình một tình yêu)

Tenor: Thien Phamtastic; Piano: Đặng Trí Dũng

 

Tôi mang trong mình một tình yêu
Với niềm hạnh phúc lặng thầm
Về với tôi
Nơi con tim và khối óc
Và tôi đã tìm thấy em
Cô bé ngọt ngào
Người sẻ chia cùng tôi
Qua ngày ngày tháng tháng
Dẫu cho trời mây u ám
Hay đêm đầy tối tăm,
Tình yêu tôi rực tỏa
Trong ánh sáng huy hoàng
Và dù thật đau lòng khi nhìn thấy
Thế giới đầy dối gian và tội lỗi kia...
Sự xấu xa sẽ bị che mờ
Bởi em tinh khôi như hoa tuyết.

“Ich trage meine Minne” (Tôi mang trong mình một tình yêu) vang lên nhẹ nhàng, như một bản dân ca, ít khi lệch khỏi nốt chủ Sol giáng, với một khoảng nghỉ ngắn trước từ "stumm" (“lặng im”) và một nụ cười ngượng ngùng khi diễn đạt ngữ điệu của "Du liebes Kind" (ND: thể hiện sự yêu thương hoặc sự quan tâm). Đoạn thứ hai vang lên mới một sắc thái biểu đạt mạnh mẽ, cường điệu với âm giai đồng chuyển tô đậm những mảng màu sáng tối, đối lập giữa tăm tối và trong sáng. Sau khi đạt đến cao trào của cảm xúc ở lời ca ‘deiner Unschuld Schnee’ (“tinh khiết như hoa tuyết”), tiếng đàn dương cầm dẫn dắt người ca sĩ trở lại với những lời ca đầu tiên, như vừa hé lộ những cảm xúc đam mê nồng cháy ẩn mình dưới dáng vẻ bề ngoài rụt rè e ngại của nhân vật tôi.

Nguồn: www.hyperion-records.co.uk

Người dịch: Tôn Thất Quang

ASTOR PIAZZOLLA (1921-1992)

Histoire du tango (for Flute & Guitar) (Lịch sử Tango) (1985)
Café, 1930
Night Club, 1960

Guitar: Lê Ngọc Niển; Flute: Phạm Thị Thu Thảo

 

Astor Piazzolla (1921 – 1992) là nhà soạn nhạc tango nổi tiếng người Argentina. Ông đã dành cả đời để mang vũ điệu tango từ các vũ trường của Argentina đến các phòng hòa nhạc lớn nhất ở châu Âu và châu Mỹ. Các tác phẩm của ông đã cách mạng hóa tango truyền thống thành một phong cách mới gọi là Nuevo Tango (hay còn gọi là dòng nhạc Tân Tango), kết hợp các yếu tố từ nhạc jazz và nhạc cổ điển.

“Histoire du Tango” (Lịch sử Tango) là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Ástor Piazzolla, được sáng tác vào năm 1985, ban đầu dành cho sáo và guitar. Lúc bấy giờ, Histoire du Tango được xem là tinh hoa của thời đại âm nhạc Nuevo Tango. Đây là bản nhạc truyền tải lịch sử và các giai đoạn phát triển của tango qua 4 phần: Bordello 1900, Café 1930, Night Club 1960 và Concert d'Aujourd'hui.

- Cafe, 1930: Đây là một thời đại của tango. Người ta ngừng nhảy tango dữ dội và nhiệt thành như hồi những năm 1900, thay vào đó, bản thân tango trở thành loại nhạc đơn giản chỉ để lắng nghe. Vào thời kỳ này, tango thực sự trở thành thể loại âm nhạc đề cao tinh thần người nghe: tango trở nên đầy nhạc tính và rất lãng mạn. Người ta thấy rõ tango đã trải qua bước chuyển mình hoàn toàn: các chuyển động chậm hơn, nhưng trên nền hòa âm mới và u sầu. Dàn nhạc chơi tango thường có 2 violin, 2 concertina, 1 piano và 1 bass. Đôi khi người ta còn hát lên bản tango.

- Night Club, 1960: Đây là thời điểm giao lưu quốc tế mở rộng nhanh chóng và vũ điệu tango phát triển trở lại khi âm nhạc Brazil và Argentina giao thoa tại Buenos Aires. Bossa nova (một dòng nhạc samba mới của Brazil) và Nuevo Tango (dòng nhạc Tango mới của Argentina) gặp nhau để thống trị giới mộ điệu. Lúc bấy giờ, khán giả đổ xô đến các hộp đêm để lắng nghe vũ điệu tango mới một cách tha thiết. Đây cũng là thời kỳ đánh dấu một cuộc cách mạng và một sự thay đổi sâu sắc của một số hình thức tango ban đầu.

Nguồn: data.instantencore.com

Người dịch: Trần Ngọc Dương

LUDWIG VAN BEETHOVEN (1770-1827)

Piano Sonata No.14 In C Sharp Minor, Op.27, No.2, III. Presto agitato (1801)
(Sonata cho Piano số 14 Giọng Đô thăng thứ, Tập 27, Số 2, III. Nhanh và hào hứng)

Piano: Trần Nguyễn Thuỵ Khanh

 

Beethoven đã nhiều lần yêu, nhưng chưa bao giờ kết hôn (ông cứ nghĩ là một người chồng thì tâm trí sẽ không còn được tự do khoáng đạt nữa). Bắt đầu vào năm 1801, khi ông 30 tuổi và vẫn hy vọng sẽ tìm được một người vợ, là nữ bá tước Giulietta Guicciardi kém ông 13 tuổi, khá hư hỏng và người ta cũng đồn rằng bà đại loại như lăng loàn. Bà dường như đã được tâng bốc bởi sự chú ý của nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng có lẽ không bao giờ nghiêm túc nghĩ đến chuyện kết hôn vì sự danh giá của bà có thể bị giảm sút khi thành đôi với một người bình dân như Beethoven. Về phần mình, Beethoven rõ ràng là mê muội trước ‘bùa phép’ của bà vào thời điểm đó, và ông đã nói về mối tình này với một người bạn vào tận năm 1823, mặc dù sau đó bà đã kết hôn với bá tước Wenzel Robert Gallenberg, một nhà soạn nhạc cho vũ kịch nổi tiếng trong hai thập kỷ. Hình bóng của bà vẫn được tìm thấy phảng phất trong những tác phẩm của Beethoven sau khi ông mất. Bản sonata cung Đô thăng thứ được sáng tác cùng thời điểm với tình yêu ấy và dành riêng cho Giulietta khi xuất bản vào năm 1802, nhưng người ta vẫn không biết chính xác được mối quan hệ giữa âm nhạc của tác phẩm đó và trái tim của ông lúc bấy giờ. Ông không bao giờ chỉ ra rằng tác phẩm này viết nhằm vào ý định gì. Mãi đến 5 năm sau khi ông qua đời, tâm tư và cảm xúc của tác phẩm đã truyền cảm hứng cho nhà thơ – nhà phê bình âm nhạc lãng mạn người Đức Ludwig Rellstab (người mà câu thơ của ông đã được Schubert lấy làm tiêu đề của 7 số đầu tiên trong Schwanengesang)

Chương “Presto agitato” (có nhịp điệu rất nhanh) là một khúc Scherzo và Trio (tam tấu) được làm dịu đi, nơi mà sự tinh tế thanh tao của nó bị lu mờ trước những nhịp đảo phách liên tiếp. Mục tiêu biểu cảm của bản sonata đã đạt được ngay tại thời điểm kết thúc chương, như một bài tiểu luận ở hình thức sonata hoàn chỉnh với sự dồn dập và kịch tính như John N. Burk đã viết: “Đây là tác phẩm đầu tiên mà sự đam mê cuồng nhiệt của Beethoven đã bùng nổ và thả trôi nó trên những phím đàn piano của một bản sonata. Đó là thứ âm nhạc mà sự lay động và hối thúc không bao giờ kết.”

Nguồn: Jonathan Biss – CAL Performances

Dịch bởi: Đỗ Hoàng Minh Nghĩa

NGUYỄN LÊ TUYÊN (1965-)

Song of the South (Bài ca phương Nam)

Piano: Đặng Trí Dũng

Memories of Saigon (Ký ức về Sài Gòn)

Guitar: Lê Ngọc Niển

 

Nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar và giảng viên âm nhạc Nguyễn Lê Tuyên đang làm việc tại Đại học Quốc gia Australia. Lê Tuyên từng biểu diễn và tham gia giảng dạy ở nhiều quốc gia như: Singapore, Việt Nam, Hàn Quốc, Pháp và Mỹ. Nhạc sĩ là người đồng sáng lập song tấu GuiHANGtar cùng giáo sư Salil Sachdev (Đại học Bridgewater State, Mỹ). Với những sáng tác mang đậm âm hưởng nhạc dân tộc Việt Nam, nhóm này từng về nước biểu diễn ở TP HCM trong năm 2011, 2012 ở chương trình mang tên “Giao lưu Australia - Mỹ, âm nhạc đương đại và ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam”.

Lê Tuyên còn là người khám phá ra kỹ thuật mới dành cho guitar đuợc gọi là: đồng song âm họa ba ngắt. Năm 2007, nhạc sĩ đã trình bày phát minh này tại lễ hội guitar Quốc tế ở Darwin, Australia. Trong năm 2010, từ một nghiên cứu hợp tác với Tiến sĩ Trần Quang Hải của Hội đồng Nhạc Dân tộc Quốc tế, Lê Tuyên công bố sự kết hợp đầu tiên trên thế giới của kỹ thuật guitar đồng song âm họa ba ngắt và kỹ thuật hát đồng song thanh.

Nguồn: vnexpress.net

MARCEL TOURNIER (1879-1951)

Féerie: Prelude and Dance, for harp (1912)
(Féerie: Khúc dạo đầu và Vũ điệu)

Harp: Huỳnh Gia Nguyên Đan

 

Marcel Lucien Tournier (1879–1951) là một nghệ sĩ đàn hạc, nhà soạn nhạc và giáo viên người Pháp, người đã sáng tác những tác phẩm solo quan trọng cho đàn hạc, và mở rộng khả năng kỹ thuật và âm hưởng của nhạc cụ này. Các tác phẩm của ông thường được trình diễn trong các buổi hòa nhạc và được ghi âm bởi các nghệ sĩ đàn hạc chuyên nghiệp, và chúng thường được sử dụng làm bài thi trong các cuộc thi biểu diễn đàn hạc. Tournier là học trò của Alphonse Hasselmans tại Học viện Âm nhạc Paris, ông đã giành Giải nhì của Giải Prix de Rome vào năm 1909. Ông cũng giành Giải Rossini cho tác phẩm Laura et Petrarch.

Tournier kế nhiệm giáo viên của mình và trở thành giáo sư đàn hạc vào năm 1912, giữ vị trí đó cho đến năm 1948, đào tạo hai thế hệ nghệ sĩ đàn hạc từ Pháp, Hoa Kỳ, các nước châu Âu khác và Nhật Bản. Tournier đã soạn một số tác phẩm solo cho đàn hạc, một số tác phẩm hòa tấu thính phòng mà nổi bật trong đó là phần viết cho đàn hạc, và một số tác phẩm viết cho piano cùng dàn nhạc. Một trong số những học trò nổi bật của ông là nghệ sĩ đàn hạc và giáo viên người Mỹ Eileen Malone.

“Fairyland Prelude and Dance” (Féerie: Khúc dạo đầu và Vũ điệu) là một tác phẩm cho đàn hạc được dành riêng cho Alphonse Hasselmans và được chơi trên đàn hạc Pedal. Tác phẩm này phù hợp với các nghệ sĩ đàn hạc đã có trình độ cao và khả năng chơi đàn hạc. Các khó khăn kỹ thuật gặp phải trong tác phẩm này là nhiều: chéo tay, nhiều âm giai, hợp âm tự nhiên, nhiều thay đổi dấu hiệu ngẫu nhiên cũng như một số thay đổi pedal.

Nguồn: en.wikipedia.org

Người dịch: Lê Phương Trinh

GIOACHINO ROSSINI (1792-1868)

Aria “Una voce poco fa” from opera buffa “Il barbiere di Siviglia” (1816)
(Aria "Giọng nào vừa nãy thốt lên" trích vở hài kịch "Người thợ cạo thành Seville")

Soprano: Lê Nguyễn Phúc Chính, Piano Accompanist: Đặng Trí Dũng

 

Gioachino Rossini (1792 - 1868) là một nhà soạn nhạc lừng danh người Ý. Các tác phẩm của ông đã thiết lập nên một chuẩn mực mới cho các vở opera, dù theo phong cách hài hước hay trang trọng.

Il barbiere di Siviglia (hay "Người thợ cạo thành Seville") là vở opera buffa (hay opera hài) của mọi opera buffa, là kiệt tác của Rossini, là đỉnh cao hoàn mỹ của opera dòng bel canto. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những vở opera được biểu diễn nhiều nhất. Tác phẩm có rất nhiều trích đoạn xuất sắc cho các ca sĩ, và đa phần được xếp vào hàng những khúc aria kinh điển cho các loại giọng, trong đó có trích đoạn aria "Una Voce Poco Fa".

"Una Voce Poco Fa", hay tạm dịch là "Giọng nào vừa nãy thốt lên". Bối cảnh của trích đoạn diễn ra ngay trong ngôi nhà của bác sĩ Bartolo. Sau khi Rosina nhận được bức thư của Lindoro (tức bá tước Almaviva), nàng Rosina tràn đầy sung sướng, nàng hát aria này, để bày tỏ tình yêu của nàng đối với Lindoro.
Thực tế thì Rossini đã viết aria này cho giọng mezzo màu sắc, giọng mi trưởng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của nghệ thuật opera thì khả năng chạy nốt màu sắc dần thuộc về các giọng soprano, do đó aria này thường được dịch lên nửa tông để các giọng soprano màu sắc có khả năng hát thêm những cadenza gần như thành truyền thống với những nốt cao hoa mỹ.

Nguồn: lyricopera.org

Người dịch: Trần Ngọc Dương

GIACOMO PUCCINI (1858-1924)

Aria “Quando m’en vo’” from opera “La Boheme” (1893-1895)
(Aria "Hễ em sải bước chân" trích vở opera "La Bohème")

Soprano: Phùng Khánh, Piano Accompanist: Nguyễn Đình Phước Thịnh

 

Lấy bối cảnh Paris vào những năm 1830, đây có lẽ là vở opera nổi tiếng nhất của Puccini. Vở opera mở đầu bằng việc giới thiệu bốn thanh niên độc thân cùng sống chung trong một căn hộ nhỏ: nhà thơ Rodolfo, nghệ sĩ Marcello, triết gia Colline và nhạc sĩ Schaunard.

‘Điệu Waltz của Musetta’ có tên chính thức là “Quando me'n vo'” (Hễ em sải bước chân). Musetta có một đoạn tình nảy lửa, lúc mặn nồng, khi chơi vơi với Marcello. Và Musetta tình cờ gặp lại Marcello đang ở quán cà phê Momus với bạn bè lúc hai người tạm chia tay. Mặc dù cô tới đó cùng đối tượng hẹn hò mới, chàng Alcindoro giàu có, và dù Marcello cố gắng tránh mặt cô, Musetta vẫn quyết tâm giành lại anh. Vì vậy, với một phong cách rất Musetta, cô đã dàn cảnh để khiến Marcello ghen tị, bước lên bàn và hát vang điệu valse về cái cách mà cánh đàn ông ngoái nhìn khi cô dạo bước với vè ngoài tuyệt vời này. Kế hoạch của cô gái trẻ kết thúc mỹ mãn bằng việc nằm trọn trong vòng tay Marcello.

Khi em dạo bước trên phố đông
ai ai cũng ngừng lại và dừng ánh mắt nơi em
và ngắm nhìn vẻ đẹp của em
từ đầu tóc đến tận gót sen hồng.

Và rồi em thưởng thức nỗi khát khao
toát ra từ đôi mắt họ
và từ sự quyến rũ lộ liễu mà người ta nhận thấy
cho đến những nét đẹp tiềm ẩn.

Rồi mùi hương dục vọng là tất cả xung quanh em,
và điều đó khiến em hạnh phúc!

Và hỡi anh - người biết, người nhớ và khát khao
Liệu anh sẽ trốn chạy khỏi em chăng?

Em biết rõ sao lại vậy mà:
Anh không muốn nói em nghe về nỗi khổ đau,
Anh không muốn kể em nghe, nhưng em hiểu,
Anh lại chẳng đau như muốn chết luôn rồi!

Nguồn: www.overdressedduo.com

Người dịch: Huỳnh Ngọc Phượng Kiều

GIACOMO PUCCINI (1858-1924)

Aria “O mio babbino caro” from opera “Gianni Schicchi” (1917–1918)
(Aria "Tía ơi, tía à, tía yêu nghe nè" trích vở opera "Gianni Schicchi")

Soprano: Lê Nguyễn Phúc Chính, Piano Accompanist: Đặng Trí Dũng

"O mio babbino caro" (tạm dịch là "Tía ơi, tía à, tía yêu nghe nè") là một aria cho giọng soprano từ vở opera Gianni Schicchi (1918) của Giacomo Puccini, lời của Giovacchino Forzano. Khúc hát này do vai Lauretta thể hiện khi sự xung đột giữa cha cô là Schicchi và gia đình người yêu của cô là Rinuccio đã căng thẳng đến mức dữ dội và đe dọa đến tình yêu của hai người. Bài aria biểu lộ ca từ đơn giản và tình yêu chân chính, trái ngược với cái không khí đạo đức giả, ganh tị, hai mặt và thù ghét của Florence thời trung cổ trong vở opera hài duy nhất của Puccini. Đây cũng là aria duy nhất trong vở opera mà ca sĩ có thể hát riêng như một bài hát

Cha kính yêu của con ơi
Con yêu chàng, chàng rất là đẹp trai.
Con muốn đi Porta Rossa
để mua chiếc nhẫn cưới!

Vâng, vâng, con muốn đi lại đó!
Và nếu cha không đồng ý
thì con sẽ về Ponte Vechio
và trầm mình xuống dòng sông Arno!

Con đang đau khổ vô cùng ,
Thượng đế ơi! con muốn chết quá!
Cha ơi, xin cha thương xót con!
Cha ơi, xin cha thương xót con!

Nguồn: amnhac.fm

 

XEM THÊM (PDF)

Comments are closed.