LES ADIEUX | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
Beethoven Piano Sonatas Cycle: Recital II “LES ADIEUX” (17.09.2023)
05/09/2023
Inspired by Love (30.9.2023)
22/09/2023

LES ADIEUX | Giới thiệu tác phẩm

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

LUDWIG VAN BEETHOVEN (1770 - 1827)

Piano: Nguyễn Đức Anh

1. Sonata cho piano Số 6 giọng Fa trưởng, Tập 10, Số 2 (1798)

(Piano Sonata No. 6 in F major, Op. 10, No. 2)

I. Allegro (F major)
II. Menuetto. Allegretto (F minor)
III. Presto (F major)

Bản Sonata cho piano số 6 giọng F trưởng, Tập 10 Số 2 được Ludwig van Beethoven sáng tác trong khoảng từ năm 1796 đến 1798 để dành tặng cho nữ bá tước Anna Margarete von Browne, một nhà bảo trợ của ông. Vì một lý do nào đó, bản Sonata số 6 này đã được gán cho danh hiệu là một trong những bản sonata ít quan trọng nhất của Beethoven. Phải chăng vì độ dài khá ngắn, chỉ khoảng 15 phút, của nó? Tuy nhiên, khi lắng nghe kỹ và tìm hiểu sâu về bản nhạc, ta lại thấy nó chứa đựng những ý tưởng âm nhạc hết sức thú vị.

Beethoven tại phòng làm việc lúc bình minh, tranh của Rudolf Eichstaedt (1857-1924) năm 1899

Đầu tiên, trong chương 1, chỉ với một chi tiết nhỏ là hai nốt nhạc mở đầu, Beethoven đã phát triển thành rất nhiều những nội dung âm nhạc về sau, với từng nội dung đều liên kết trở lại ý tưởng phôi thai này. Đây là một đặc điểm hết sức nổi bật trong phong cách của Beethoven. Một chi tiết đặc biệt khác, ở đoạn chuyển tiếp giữa hai chủ đề trong phần trình bày của chương này, Beethoven đã chuyển từ giọng gốc Fa trưởng về hợp âm Mi trưởng, gợi ý rằng ông sẽ chuyển tiếp sang giọng La thứ. Tuy nhiên, ông lại đột ngột chuyển sang Đô trưởng, hoàn toàn gây bất ngờ đối với người nghe. Bên cạnh đó, ở chủ đề thứ hai, ông sử dụng hợp âm trưởng bảy (maj7), tuy rằng đã rất quen thuộc với chúng ta ngày nay với sự phổ biến của nhạc Pop và Jazz, nhưng lại khá xa lạ với khán giả ở thế kỷ XIII. Phần tái hiện của chương 1 cũng được ông bắt đầu ở giọng Rê trưởng, một giọng xa với giọng gốc Fa trưởng, tạo cảm giác rằng sự căng thẳng về hòa âm ở trong phần phát triển vẫn được ông tiếp tục ở phần tái hiện.

Chương hai của bản nhạc về mặt kỹ thuật là một bản Minuet (điệu nhảy phong cách Pháp ở nhịp 3/4) kết hợp Trio (tam tấu). Tuy nhiên, tính chất âm nhạc của nó lại gần với một bản bagatelle buồn bã hơn. Chương ba cũng hết sức thú vị khi Beethoven bắt đầu giai điệu chủ đề ở tay trái, rồi lặp lại nó cao dần lên ở tay phải làm cho ta có cảm tưởng sẽ được nghe một bản fugue theo phong cách Bach, để rồi chỉ vài ô nhịp sau đó, tính chất phức điệu của fugue đã biến mất để nhường chỗ cho âm nhạc chủ điệu. Sự chuyển đổi qua lại giữa hai tính chất này sẽ còn được lặp lại nhiều lần trong chương cuối này.

Chắc chắn, Sonata số 6 sẽ còn nhiều điều thú vị hơn nữa để chúng ta lắng nghe và khám phá.

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc
Nguồn:
Classic and Sacrum School

 


 

2. Sonata cho piano Số 26 giọng E♭ trưởng, Tập 81a “Les Adieux” (1809 - 1810)

(Piano Sonata No. 26 in E♭ major, Op. 81a, “Les Adieux”)

I. Das Lebewohl (Les Adieux – Từ biệt): Adagio – Allegro (E♭ major)
II. Abwesenheit (L'Absence – Vắng mặt): Andante espressivo (In gehender Bewegung, doch mit viel Ausdruck – In walking motion, but with much expression) (C minor)
III. Das Wiedersehen (Le Retour – Trở lại): Vivacissimamente (Im lebhaftesten Zeitmaße – The liveliest time measurements) (E♭ major)

Bản Sonata cho piano số 26 giọng Mi giáng trưởng, Tập 81a được Ludwig van Beethoven sáng tác từ năm 1809 đến 1810, còn được biết đến với tên gọi tiếng Đức “Lebewohl” (Từ biệt). Bản nhạc được dành tặng Đại công tước Archduke Rhudolp khi nghe tin gia đình của Rhudolph phải trốn chạy khỏi thành phố Viene để tránh cuộc xâm lược của quân đội Pháp dưới sự lãnh đạo của Napoleon. Bên cạnh là một người bạn và là nhà bảo trợ của Beethoven, Rhudolph cũng là học trò theo học sáng tác một cách nghiêm túc với ông. Rhudolph đã hoàn thành hơn 25 tác phẩm dưới sự dạy dỗ của thầy và vẫn tiếp tục việc sáng tác lâu dài sau này. Cả hai giữ một mối quan hệ lâu dài và gần gũi kéo dài suốt cuộc đời của Beethoven. Trong một lá thư gửi Gleichenstein, Beethoven đã bày tỏ niềm tự hào khi có một học trò vừa là nhạc sĩ nghiêm túc vừa là thành viên gia đình hoàng gia. Do đó, việc Beethoven dành tặng cho Rudolph các tác phẩm quan trọng nhiều hơn bất kỳ ai khác không có gì là ngạc nhiên. Ngoài Sonata LebewohlMissa solemnis, Rudolph còn nhận được lời đề tặng cho Concerto piano số 4, Concerto “Emperor”, Sonata Hammerklavier và nhiều tác phẩm lớn khác.

Chân dung Johann Baptist von Lampi (1788-1831), tranh của Johann Baptist von Lampi the Elder (1751–1830)

Vào thời điểm quân đội Pháp tiến vào Viene, bản thân Beethoven cũng phải tìm nơi ẩn náu khỏi cuộc oanh tạc tàn nhẫn bằng cách ở nhờ trong căn hầm của nhà cậu em trai Caspar Carl và dùng gối để bịt lại đôi tai đau đớn của mình. Thời kỳ này, thính lực của Beethoven đã suy giảm nhưng rất nhạy cảm đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những âm thanh ầm ĩ từ cuộc chiến. Trong một lá thư gửi nhà xuất bản Breitkopf & Härtel, ông viết: “Gần đây, chúng tôi đã trải qua những đau khổ ở một mức độ cao hơn. Để tôi nói với bạn rằng kể từ ngày 4 tháng 5, tôi đã tạo ra rất ít tác phẩm mạch lạc… gần như chỉ là một đoạn ngắn chỗ này, chỗ kia… Cuộc sống xung quanh tôi thật điêu tàn và hỗn loạn. Không có gì ngoài trống, đại bác và sự khốn khổ của con người dưới mọi hình thức”.

Bản nhạc gồm 3 chương, mỗi chương đều có tiêu đề riêng do chính Beethoven đặt. Hai chương cuối còn có thêm ghi chú bằng tiếng Đức của ông. Với việc đặt tiêu đề cụ thể như trên, Sonata số 26 trở thành bản sonata dành cho piano duy nhất của Beethoven được sáng tác theo thể loại âm nhạc chương trình, thể loại mà mỗi chương nhạc đều gắn với một câu chuyện cụ thể. Trong chương 1, ba nốt nhạc đầu tiên là ba nốt đen với tốc độ chậm được phổ theo 3 âm tiết “Le - be - wohl” từ tiêu đề và được ông ghi rõ trong bản nhạc. Nét giai điệu này đặc trưng cho kèn horn, một nhạc cụ thường dùng để thông báo các chuyến xe đến và đi, gắn liền với sự lên đường, chia tay. Giải kết lửng (imperfect cadence) được ông sử dụng ngay sau đó gợi cảm giác rằng sự chia tay này nằm trong một hoàn cảnh không hạnh phúc. Motif “Le - be - wohl” lại xuất hiện trở lại rõ nét ở phần Coda của chương 1 trong sự đối đáp của tay trái và tay phải, tạo ra hiệu ứng hai cây kèn horn đối đáp với nhau với những âm thanh xa xăm, sâu thẳm. m nhạc của chương 2, Abwesenheit (Vắng mặt), tràn đầy những nỗi cô đơn u sầu. Chương 3, Das Wiedersehen (Trở lại), lấp lánh với vẻ vui tươi, hồ hởi. Trước khi kết thúc chương cuối này, một khoảnh khắc trầm tư, lắng đọng, gợi lại motif “Le - be - wohl” từ chương 1 được xuất hiện như một sự hồi tưởng. Bản nhạc được kết thúc trong sự tươi sáng, tràn ngập niềm vui.

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc
Nguồn:
Classic and Sacrum School


 

3. Sonata cho piano Số 27 giọng Mi thứ, Tập 90 (1814)

(Piano Sonata No. 27 in E minor, Op. 90)

I. Mit Lebhaftigkeit und durchaus mit Empfindung und Ausdruck
II. Nicht zu geschwind und sehr singbar vorgetragen

Bản Sonata cho piano số 27 giọng Mi thứ, Tập 90 được Ludwig van Beethoven sáng tác vào mùa hè năm 1814, thuộc giai đoạn sáng tác cuối cùng của ông. Bản nhạc được dành tặng cho Hoàng tử Moritz von Lichnowsky, một người bạn của Beethoven. Đây là tác phẩm khí nhạc đầu tiên Beethoven viết sau khi chỉnh sửa xong vở opera Fidelio - như thể ông tặng cho chính mình một món quà chào mừng, sau công việc sáng tác opera bằng cách trở lại với thể loại quen thuộc và thoải mái nhất trong các thể loại âm nhạc của mình.

Moritz Graf von Lichnowsky (1771-1837)

Thông thường, các bản sonata của Beethoven có 3 hoặc 4 chương, nhưng Sonata số 27 thì chỉ có 2 chương. Đặc biệt, lần đầu tiên trong các tác phẩm của mình, Beethoven không sử dụng các thuật ngữ chỉ tốc độ như truyền thống. Thay vào đó, ông lại truyền đạt tính chất âm nhạc của từng chương. Trong đó, chương 1 được ghi: “Mit Lebhaftigkeit und durchaus mit Empfindung und Ausdruck” - “Với sự sống động cùng với cảm xúc và sự biểu cảm liên tục”; Chương 2: “Nicht zu geschwind und sehr singbar vorgetragen” - “Không quá nhanh và diễn tấu như ca xướng”.

Nghệ sỹ piano kiêm nhà nghiên cứu Charles Rosen miêu tả chương 1 là “tuyệt vọng và say mê, súc tích đến mức kiệm lời”. Trong chương này, chúng ta bắt gặp lối sử dụng những quãng âm cao và thấp đột ngột, ấn tượng trong phạm vi một câu nhạc, một dấu hiệu rõ ràng trong phong cách thời kỳ cuối của Beethoven, được biểu lộ bằng những gián đoạn tạo ra bởi những quãng âm bất ngờ trong tiến hành giai điệu. Chương 2 có lẽ là khúc rondo dài nhất của Beethoven. Thông thường với các tác phẩm ở hình thức rondo, một chủ đề âm nhạc chính sẽ được tái hiện xen giữa các đoạn nhạc mang tính chất đối lập. Còn trong chương này, Beethoven đã giữ tính chất “cantabile” (như hát) từ đầu đến cuối chương, trong đó, các đoạn nhạc tương phản vẫn có tinh thần phù hợp với chủ đề chính, tạo ra một tổng thể không quá xáo động và cũng không làm giảm hiệu quả của mỗi lần chủ đề chính được lặp lại.

Tác phẩm hết sức súc tích với thời lượng trình diễn thông thường chỉ khoảng 14 phút. Và mặc dù chứa đựng sự phong phú xét về khía cạnh số lượng chủ đề âm nhạc, tác phẩm vẫn được Beethoven tạo dựng với một kết cấu mang tính hiệu quả đáng kinh ngạc.

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc
Nguồn:
Sách “Beethoven: m nhạc và cuộc đời” (2003) & Ấn bản Ricordi (A. Casella hiệu đính)

 


 

4. Sonata cho piano Số 3 giọng Đô trưởng, Tập 2, Số 3 (1795)

(Piano sonata No. 3 in C major, Op. 2, No. 3)

I. Allegro con brio (C major)
II. Adagio (E major)
III. Scherzo: Allegro (C major)
IV. Allegro assai (C major)

Bản Sonata cho piano số 3 giọng Đô trưởng, Tập 2, Số 3 được Ludwig van Beethoven sáng tác năm 1795, thuộc giai đoạn sáng tác đầu tiên của ông. Tác phẩm được xuất bản năm 1976, đồng thời với hai bản sonata số 1 và số 2, tạo thành bộ ba piano sonata Tập 2 dành tặng cho Joseph Haydn, thầy dạy sáng tác của Beethoven trong những năm trẻ tuổi. Đây là một kiệt tác với tính chất âm nhạc hết sức đa dạng và phong phú, chứa đựng đồng thời sự rực rỡ, tinh tế và cả hài hước trong nó. Trong tác phẩm, chúng ta sẽ được khám phá những đoạn mô phỏng tuti dàn nhạc giao hưởng, cùng với hai lần xuất hiện của đoạn cadenza theo phong cách Emperor concerto ở chương 1; những nét nhạc tinh tế như giai điệu mở đầu chương 4, những hợp âm nghịch ở chương 3, hay những lần chuyển giọng bất ngờ ở chương 1.

Chân dung Joseph Haydn, tranh của Thomas Hardy (1791)

Bản nhạc gồm 4 chương, với mỗi chương nhạc mang một tính chất và kết cấu riêng, tạo thành một tổng thể với rất nhiều màu sắc. Chương 1 mang tính chất như một giao hưởng với những đoạn tuti mạnh mẽ. Chương 2 lại có nét tương tự như một tứ tấu dàn dây với bốn bè rõ ràng. Chương 3 tinh tế với những dấu nhấn gay gắt, còn chương 4 thì xen kẽ giữa tính chất tinh nghịch và giai điệu trữ tình. Bản nhạc này cũng là tác phẩm vừa là khó nhất và vừa dài nhất trong ba bản sonata thuộc Tập 2, đòi hỏi nhiều kỹ năng trình diễn phức tạp, như là những đoạn trill hay những chuyển động tay hiếm gặp. Với thời lượng trình diễn trung bình từ 24 - 26 phút, nó cũng là bản nhạc dài thứ hai trong số các sonata dành cho piano thuộc thời kỳ sáng tác đầu tiên của ông, chỉ đứng sau Sonata số 4.

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc |
Nguồn:
Classic and Sacrum School

Comments are closed.