Beethoven: Piano Sonata IV: Dur | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
Nguyễn Tuấn Lộc
06/01/2024
Beethoven Piano Sonatas Cycle: Recital IV “DUR” (27.01.2024)
26/01/2024

Beethoven: Piano Sonata IV: Dur | Giới thiệu tác phẩm

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

Pianist: Nguyễn Đức Anh

Cuộc khủng hoảng điếc có ảnh hưởng mạnh đến khả năng đối diện với thế giới xung quanh của Beethoven, nhưng đồng thời, ông cũng đã tìm ra cách để bảo vệ thế giới sáng tạo bên trong khỏi những xâm phạm từ thế giới bên ngoài.

Có lẽ bệnh điếc đã cho Beethoven cách để chuyển hóa những nỗi đau mất mát, thiếu thốn tình yêu thương, để ông không còn biểu hiện nó bắng sự giận lẫy với người khác nữa mà biểu hiện bằng âm nhạc trong một thế giới cô đơn riêng mình. 

 


 

Sonata số 20 Sol trưởng (Op. 49, số 2)

 

Trong nhiều năm, Beethoven vẫn giữ thói quen viết ra những tiểu phẩm trong khi vẫn đang soạn những tác phẩm lớn hơn. Hai sonata trong bộ Op.49 có lẽ được viết vào khoảng năm 1797, mãi đến 1805 nhờ em trai Kaspar của tác giả chống lại ý muốn của tác giả, chúng mới được gửi đi xuất bản ở Vienna. Vì thế, đặt giữa các tác phẩm của Beethoven được xuất bản lúc bấy giờ, hai bản sonata này lạc lõng về mặt phong cách và ngôn ngữ diễn giải. Các sonata op.49 đều là những bản nhạc có mức độ đơn giản về ý nhạc lẫn kỹ thuật so với các sonata khác của nhạc sỹ, đến nỗi người ta còn ngờ vực liệu Beethoven có thực sự viết những gì “dễ dàng” thế. Quả thực là vậy, ông gọi chúng là Leichte Sonaten - các bản sonata đơn giản. 

Trong hai bản, bản số 2 được coi là dễ hơn, và có lẽ là dễ nhất trong toàn bộ 32 hành trình sonata của Beethoven. Tác phẩm chỉ gồm hai chương:

I. Allegro ma non troppo (Nhanh không quá mức)

Có thể nói, ở ngay nét mở đầu của chương này, người ta có thể thấy ngay “chất Vienna” tươi sáng, tinh thần đĩnh đạc mà vẫn rất uyển chuyển, duyên dáng. Phần phát triển của chương sẽ đi qua nhiều điệu tính. 

II. Tempo di Menuetto 

Khi lắng nghe chương nhạc này, bạn sẽ thấy nét chủ đề minuet được vang lên nhiều lần xoay vòng bởi kết cấu như thể rondo. Cái khó đối với nghệ sỹ là làm sao để sáu lần xuất hiện của chủ đề có thể tạo ra được các trạng thái khác nhau, đảm bảo tính ngẫu hứng đặc trưng của Beethoven. Quá trình này chính là mảnh đất cho nghệ sỹ tự kiếm tìm cho mình nét độc đáo, cá tính và khả năng làm phong phú, tròn đầy ý nhạc dù đây là một tác phẩm giản đơn. 

 


 

Sonata số 12 La giáng trưởng (Op. 26)  

 

Bản sonata này được sáng tác vào khoảng từ 1800 - 1801, là những năm tháng đầu Beethoven vật lộn với chứng điếc. 

Beethoven lao mình vào làm việc, tập trung nội lực ý chí tiếp tục sự nghiệp. Ông vẫn tìm cách thay đổi, cải tiến các sonata, khi phá bỏ những gì đã được coi là nền khung của thể loại: ở bản số 12 không còn chương nào viết ở dạng sonata-allegro. Nếu cần lấy ví dụ về một thứ âm nhạc siêu phàm, ý nghĩa cao thượng khó diễn tả thành lời, sonata số 12 của Beethoven là một mẫu mực điển hình. 

Bốn chương của sonata số 12 được sắp đặt theo các trạng thái như sau:

 I. Andante con variazioni (Chậm, với các biến khúc)

Giống cách Mozart mở đầu bản số 11 La trưởng, Beethoven đã xếp cho chương đầu bản số 12 của mình ở định dạng gồm một chủ đề và năm biến khúc. 

Với hai chương giữa, Beethoven thực hiện đổi chỗ: chương scherzo lên vị trí thứ hai và chương chậm đẩy xuống vị trí thứ ba - ngược với trình tự thông thường của một liên khúc sonata. 

II. Scherzo, allegro molto (Scherzo, rất nhanh)

Cấu trúc chương này ở dạng ba phần: scherzo - trio - scherzo, và được người ta nhận định là "dí dỏm và không hề dễ dàng".

III. Maestoso andante, marcia funebre sulla morte d'un eroe (Chậm uy nghi, hành khúc tang lễ cho cái chết của một anh hùng)

Beethoven không thực sự ám chỉ đến một vị anh hùng cụ thể nào ở chương nhạc này. Chính trong con người ông đã ôm ấp một thứ lý tưởng cao đẹp về cung cách sống do ảnh hưởng của tư tưởng Khai sáng, và cả tinh thần chiến đấu, cách mạng do chịu tác động của phong trào Bão táp & Xung kích, vì thế, ông vẫn luôn có hình tượng một vị anh hùng nào đó trong lòng mình và cả những hình dung như một kịch bản xây dựng cho cuộc đấu tranh và cái chết của vị anh hùng đó. Chương thứ 3 của sonata 12 có lẽ là một nấc thang báo trước bước ngoặt của Beethoven ở Giao hưởng Anh hùng ca vài năm sau. 

IV. Allegro, Rondo form (Nhanh, kết cấu rondo)

Nghe nhạc của Beethoven là bước chân vào một hành trình, mà hành trình đó thường là dẫn dắt ta từ bóng tối đến ánh sáng: sau chương 3 kịch tính, ám ảnh bởi chủ đề cái chết, tác giả đưa ta sang một bối cảnh khác rực rỡ đối nghịch. Chương cuối đầy tràn những mẫu hình tiết tấu sống động, có tính chất dồn đẩy như muốn thúc đẩy ta bật dậy khỏi thương đau để vùng lên chiến đấu tiếp, cho đến khi đạt được chiến thắng cuối cùng.

 


 

Sonata số 2 La trưởng (Op. 2, số 2)

 

Sonata số 2 được viết vào năm 1795, xuất bản năm 1796 cùng với bản số 1 và số 3 trong cùng bộ Op.2 của Beethoven, dành tặng cho Joseph Haydn. Lúc bấy giờ Beethoven vẫn là một chàng trai trẻ, và ba tác phẩm này tựa như tấm danh thiếp để ông dùng để tự giới thiệu bản thân với giới mộ điệu Vienna. Nhưng ngay ở những nốt nhạc thời kỳ đầu này, người ta đã nhận ra bản sonata thứ hai có mức độ hoàn thiện xuất sắc và sánh ngang với Haydn và Mozart về tư tưởng hoà âm và kịch tính,

Phạm vi cảm xúc của bản sonata rộng lớn, nhiệt tình xuyên suốt 4 chương, rồi kết thúc duyên dáng ở chương 4.

I. Allegro vivace (Nhanh sống động)

Chương đầu tiên có tính chất tươi sáng, tính chất vận động. Ở giữa chương có một đoạn phức điệu mô phỏng (canon), rồi khép lại trong lặng lẽ. 

II. Largo appassionato (Chậm dàn trải, đầy đam mê)

Hiếm khi Beethoven sử dụng chỉ định Largo, có nghĩa là nhịp độ chậm dàn trải. Phần mở đầu của chương viết theo phong cách của tứ tấu đàn dây và có âm trầm chơi nảy giống như đàn cello chơi gảy dây. Tốc độ chậm rãi thể hiện sự trang trọng nhưng chương nhạc vẫn có tính chất trữ tình. 

III. Scherzo: Allegretto (Scherzo: hơi nhanh)

Chương tiếp theo ngắn gọn và duyên dáng, gần như một minuet. Đây cũng là trường hợp đầu tiên trong 32 sonata Beethoven sử dụng thuật ngữ "Scherzo",vốn nghĩa dí dỏm, tươi vui. 

IV. Rondo: Grazioso (Rondo: duyên dáng).

Bố cục chương nhạc theo mạch nhắc lại chủ đề chính xen kẽ với các đoạn chen: A–B–A–C–A–B–A–Coda. Riêng đoạn chen C ở giọng thứ khá sôi động và mang nhiều giông bão so với phần còn lại của tác phẩm, tiêu biểu cho phong cách “Bão táp  & Xung kích” thời Beethoven. 

 


 

Sonata số 30 Mi trưởng (Op.109)

 

Giai đoạn cuối đời, vẻ như Beethoven đã vượt qua những tháng năm vật lộn, tranh đấu, giằng co vì lý tưởng. Ông đã hoàn toàn chìm vào thế giới của nội tâm để thể hiện tiếng nói tư tưởng bằng các tác phẩm đa dạng, phong phú về phong cách. Opus 109 sáng tác năm 1820, cùng thời gian soạn thảo Giao hưởng 9, là một trong những bản sonata cuối đời, cũng nằm trong số những tác phẩm cuối cùng Beethoven viết. 

Bản sonata này quyến rũ người nghe bằng tính chất gần gũi, ít kịch tính gần với baroque và nổi bật bởi chất trữ tình đặc biệt, mang "vẻ đẹp du dương và hài hòa", vừa đơn giản kiểu Haydn, vừa có những nét trang trí gợi nhớ đến Chopin.

Sonata số 30 gồm 3 chương:

I.  Vivace ma non troppo — Adagio espressivo (Sống động, nhanh nhưng không quá mức - chậm, biểu cảm)

Mở đầu chương nhạc là luồng âm nhạc đầy sinh khí, và tiếp theo phần lớn chương mang nhịp độ chậm, với trạng thái diễn cảm như hát ngâm vịnh trong opera, điển hình cho phong cách Lãng mạn.

II. Prestissimo (Rất nhanh)

Tương tự như nhiều lần khác Beethoven cố tình thay đổi truyền thống, chương hai của sonata được ông để tốc độ nhanh, lôi cuốn người nghe theo mạch âm nhạc của mình. 

III. Gesangvoll, mit innigster Empfindung. Andante molto cantabile ed espressivo (Như hát, với cảm xúc sâu sắc nhất - Chậm, như hát và biểu cảm).

Trọng tâm của tác phẩm là chương 3, giống các bản sonata cuối đời khác, cấu trúc 1 chủ đề với 6 biến khúc. Đây là những phút giây Beethoven bình lặng, hướng tới suy ngẫm sâu sắc. Chủ đề chính của chương là một hình mẫu điển hình cho những giai điệu tựa như thánh ca trong các chương chậm của Beethoven. Mỗi biến khúc đi sau nó có một nhịp độ riêng và được ghi chú cụ thể, chi tiết, yêu cầu biểu cảm đặc biệt để người nghe nắm bắt nghệ thuật của Beethoven. 

 

Người soạn: Mai Đức Hạnh

Comments are closed.