Classical Romance | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
Classical Romance (26.10.2023)
09/10/2023
Opera in Vietnam: Phantom of the Opera
12/10/2023

Classical Romance | Giới thiệu tác phẩm

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

HUY DU (1926-2007)

Miền Nam Quê Hương Ta Ơi (1957)

Violin: Chương Vũ, Piano: Phạm Nguyễn Anh Vũ

 

Huy Du là một trong những nhạc sĩ sáng tác thành công ở nhiều lĩnh vực, từ các ca khúc đến các tác phẩm giao hưởng thính phòng. Có thể kể ra như: Các tiểu phẩm cho piano, Miền nam quê hương ta ơi (viết cho violin và Piano), Trio kể chuyện sông Hồng, Thơ giao hưởng, âm nhạc cho nhiều tác phẩm sân khấu và điện ảnh, v.v...

Huy Du còn có bí danh là Huy Cầm, sinh tại quê hương xã Tân Chi huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, là con thứ 2 trong một gia đình có 10 anh chị em. Cha ông là nhà giáo Nguyễn Huy Hoàng. Khi cha ông chuyển về Hà Nội dạy học, ông cũng theo cha đến Hà Nội sống và học tập. Ở đây ông bắt đầu được học nhạc và violin. Ông cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tường (tức nhạc sĩ Phong Nhã) cùng những người bạn khác hợp thành ban nhạc biểu diễn tại rạp Tố Như hàng đêm.

Từ năm 1956 đến năm 1962, Huy Du học tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc.Năm 1962, ông trở về nước làm việc tại Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị (Quân đội Nhân dân Việt nam) cho đến năm 1977. Đây là giai đoạn ông cho ra đời hàng loạt tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, trong đó có tác phẩm Miền Nam Quê Hương Ta Ơi (1957). 

Tác phẩm Miền nam quê hương ta ơi cũng được nhạc sĩ Huy Du cấu trúc theo hình thức ba phần có tái hiện A B A’. Phần tái hiện, tác giả không nhắc lại nguyên xi phần mở đầu A, mà ở đây đã có những thay đổi để phù hợp với tư duy sáng tạo mang tính phát triển.

Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi ra đời vào năm 1959, Miền Nam quê hương ta ơi!" là một trong số ít những tác phẩm khí nhạc không chỉ chiếm được cảm tình của người nghe, mà còn là tác phẩm được nhiều nghệ sĩ biểu diễn đàn violin yêu thích chọn cho Chương trình biểu diễn của mình. Từ bản viết cho violon và piano lúc đầu, tác phẩm đã được chuyển soạn cho Dàn nhạc giao hưởng và nhiều nhạc cụ khác biểu diễn.

 

Nguồn: Phạm Lê Hòa – Trường ĐH Sư Phạm Nghệ Thuật Trung Ương & Voer.edu.vn

 


 

HOÀNG DƯƠNG (1933-2017)

Hát ru (1969-71) 

Violin: Chương Vũ, Piano: Phạm Nguyễn Anh Vũ

 

Tên khai sinh của ông là Ngô Hoàng Dương, sinh ngày 12 tháng 10 năm 1933, quê ở Từ Liêm, Hà Nội. Công tác tại Nhạc viện Hà Nội, cư trú tại Hà Nội. Là Phó Giáo sư, được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Ông mất ngày 30-11-2017. 

Hoàng Dương là một nhà sư phạm, đồng thời là nghệ sĩ biểu diễn và người sáng tác âm nhạc có tên tuổi. Ông là người có công đầu trong việc xây dựng bộ môn đàn violoncelle và Khoa Đàn dây của Nhạc viện Hà Nội. Ông đã cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy bộ môn violoncelle hơn 40 năm, kể từ những ngày đầu thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam, góp phần đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ đàn violoncelle. 

Ông đã viết nhiều tác phẩm cho đàn violoncelle, piano, accordéon, clarinette, oboe..., được biểu diễn và dùng trong giáo trình các khoa của Nhạc viện Hà Nội, như Bài ca không lời (piano), Vũ khúc mùa xuân, Tây Nguyên tươi đẹp (accordéon), sonatine Bài thơ Hạ Long, Hát ru, Giai điệu quê hương, Mơ về trái núi Thiên Thai (cello và piano), tổ khúc Tiếng hát sông Hương (cello và dàn nhạc). Nhiều tác phẩm của ông đã được sử dụng trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, biểu diễn trên nhiều sân khấu trong và ngoài nước. Ngoài khí nhạc, ông cũng sáng tác nhiều ca khúc như Mai em đi rồi, Moscow một tình yêu, Người con gái Mỹ Tho, Như sóng về trùng dương, Quân về Hà Nội, Ta vào trận hôm nay, Tiếc Thu, Tình ca... và đặc biệt nổi tiếng là bài hát Hướng về Hà Nội. 

Nguồn: Bcdcnt

 

 


 

VŨ VIỆT ANH (b. 1976)

Cầu Nguyện Mùa Xuân (2023) 

Violin: Chương Vũ, Piano: Phạm Nguyễn Anh Vũ

 

Việt Anh sinh ngày 28 tháng 3 năm 1976 là con một trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật, bố anh là nghệ sĩ ưu tú Việt Cường, mẹ là nghệ sĩ ưu tú Kim Quy. Từ năm lên 6, Việt Anh đã được học nhạc, định hướng ngay từ đầu là sẽ trở thành nhạc sĩ, 8 tuổi thi vào nhạc viện, tập sáng tác khi đang học phổ thông trung học. 

Năm 1996, bài hát Người đi xa mãi của anh do Lam Trường trình bày, bắt đầu được giới thiệu đến công chúng. Trong nhiều tuần liên tục, bài hát này trụ hạng topten Làn sóng xanh. Sau đó thêm một ca khúc khác của Việt Anh lại đứng nhất Làn sóng xanh, Dòng sông lơ đãng được trình bày bởi Thu Phương. Các sáng tác của Việt Anh được biết đến nhiều nhất và thành công nhất qua tiếng hát của nữ ca sĩ Thu Phương. 

Bài hát Mưa phi trường Việt Anh sáng tác từ năm 1992, khi đang học lớp 10, tức 16 tuổi. Tuy nhiên, lại được biết đến sau khi đã được dọn đường bằng những ca khúc gây được tiếng vang như Dòng sông lơ đãng, Không còn mùa thu, Người đi xa mãi, và bằng cả sự nổi tiếng của ca sĩ Lam Trường khi ấy.

Việt Anh thừa nhận mình bị ảnh hưởng bởi nhiều dòng nhạc, đặc biệt là nhạc tiền chiến. Giai điệu của anh cũng kế thừa âm hưởng lãng mạn cổ điển đó. 

Đang lúc thành công với con đường sáng tác ca khúc, Việt Anh lựa chọn sang New Zealand học khoa Sáng tác ở Trường đại học Tổng hợp Auckland. Ban ngày đi học, tối về làm nhân viên chạy bàn để trang trải cuộc sống. 

Hiện nay, Việt Anh hoạt động ở lĩnh vực viết khí nhạc, hòa âm và sáng tác ca khúc. 

Tác phẩm Cầu nguyện mùa xuân là sáng tác khí nhạc mới nhất của anh, được viết cho hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng.

Nguồn: Wikipedia

 

 


 

LUDWIG VAN BEETHOVEN (1770-1827)

Violin Sonata No. 8, Op. 30 No. 3 (1801-02)

Violin: Chương Vũ, Piano: Nguyễn Thuỳ Yên

 

Trong tháng 4 năm 1802, theo chỉ dẫn của bác sĩ, Beethoven chuyển đến làng Heiligenstadt ngoại ô Vienna, hy vọng rằng sự yên bình nơi thôn dã sẽ giúp ông phục hồi thính giác. Nhưng thực tế, việc này chẳng hề có tác dụng: Beethoven đã biểu đạt nỗi tuyệt vọng của mình trong một bức thư đau khổ gửi cho những người em trai của mình, ngày nay được biết đến với cái tên Chúc thư Heiligenstadt:

“Thật là nhục nhã cho tôi khi có người đứng cạnh tôi nghe được tiếng sáo đằng xa, hoặc có người nghe tiếng mục đồng hát mà tôi lại không nghe thấy gì. Những điều này khiến tôi tuyệt vọng; nếu nhiều hơn vậy tôi sẽ kết thúc cuộc đời mình - chỉ có nghệ thuật là níu giữ tôi ở lại.”

Và sau đó, chỉ trong vòng vài tuần, ông ấy đã viết ba bản sonata cho violin Tập 30, kết thúc bằng bản này: một tác phẩm được nghệ sĩ violin đại tài, Josep Szigeti cho rằng tác phẩm này ‘toàn bích mà không có bất kì mâu thuẫn nào'.

Chúng ta không nghe thấy bất kỳ sự xáo trộn tâm lý nào trong bản nhạc đầy màu nắng Sonata số 8 cung Sol trưởng, Tập 30, số 3. Chương đầu tiên (Allegro assai) là đoạn đối thoại vui nhộn giữa violin và piano ở nhịp 6/8, chứa đầy những bất ngờ đột ngột theo kiểu ‘Haydn’. Chỉ trong phần phát triển, khi các nhạc cụ dường như tham gia vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt của các âm rung (trills), chúng ta mới nhận được một luồng gió thoáng qua trong không khí.

Chương thứ hai (Tempo di minuetto, ma molto moderato e grazioso), giai điệu được mở rộng dường như để bày tỏ lòng biết ơn trước khi rơi trở lại vùng u ám hơn. Ở những ô nhịp cuối cùng, dòng giai điệu biến thành một bản song ca thanh thản, bình yên và ngẫu hứng giữa violin và piano - như một giai điệu quen thuộc, một câu chuyện kể thoải mái giữa bạn bè. Cuối cùng còn lại một đoạn với motif được lặp lại gợi ta nhớ đến chương thứ hai của Bản giao hưởng số Năm.

Chương cuối cùng (Allegro vivace) là một điệu nhảy đồng quê sôi động, hoàn chỉnh với âm thanh bay bổng của kèn túi, những nhịp sforzandos (sfz: mạnh bất ngờ) và những biến điệu chói tai của các phím xa đầy bất ngờ. Chủ đề chính kết hợp với các nốt móc kép với móc đơn nhanh lẹ sinh động, kéo chúng ta vào một cuộc phiêu lưu mộc mạc tràn đầy niềm vui.



Nguồn: Notes by Richard Bratby – Hyperion Records & The Listeners Club

Người dịch: Đỗ Hoàng Minh Nghĩa

 

 


 

AMY BEACH (1867-1944)

Romance, Op. 23 (1893)

Violin: Chương Vũ, Piano: Nguyễn Thuỳ Yên

 

Amy Beach (1867-1944), tên khai sinh  là Cheney, sinh tại Henniker, New Hampshire (Hoa Kỳ). Bà từng theo học piano với một số giáo viên piano nổi tiếng thời điểm đó, như là Ernst Perabo và Kal Baermann, nhưng về sáng tác nhạc, bà gần như tự học hoàn toàn. Bà biểu diễn concert ra mắt vào năm 16 tuổi. Hai năm sau, bà kết hôn với Henry Harris Aubrey Beach, một bác sĩ lớn hơn bà 24 tuổi. Trong suốt cuộc đời, bà không được công chúng biết đến bằng tên thật của mình mà chỉ qua nghệ danh "Mrs. H.H.A. Beach". Vào thời điểm đó, việc làm này hết sức bình thường và ngay cả các nữ diễn viên nổi tiếng nhất ở Anh và Mỹ cũng được biết đến dưới họ của chồng. Do đó, tất cả các tác phẩm của bà xuất hiện dưới tên Mrs. H.H.A. Beach, và chỉ gần đây, trong thời đại bình đẳng hơn, bà mới được biết đến dưới tên Amy Beach. Bởi phép tắc xã hội thời đó, chồng bà , một thành viên của tầng lớp thượng lưu ở Boston, yêu cầu bà giới hạn các buổi biểu diễn của mình chỉ còn một lần mỗi năm. Chỉ sau khi ông qua đời vào năm 1910, bà bắt đầu chuyến lưu diễn biểu diễn cả ở Âu châu và Hoa Kỳ. Những tác phẩm của nữ nhạc sĩ thuộc hầu hết tất cả các thể loại âm nhạc và Amy Beach là người phụ nữ  Hoa Kỳ đầu tiên sáng tác một tác phẩm dành cho dàn nhạc giao hưởng. Cho đến nay, bà được coi là một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu của Hoa Kỳ và là nữ nhạc sĩ duy nhất được xếp ngang hàng Arthur Foote, George Chadwick, Edward MacDowell và Horatio Parker. Phong cách sáng tác của bà thuộc trường phái Hậu Lãng Mạn, thể hiện sự ảnh hưởng từ Brahms và Cesar Franck. 

Bản Romance dành cho violin và piano được công diễn lần đầu vào năm 1893 và được xuất bản trong cùng năm đó. Sự phức tạp kỹ thuật là điểm nổi bật của nhiều tác phẩm của Amy Beach, và tác phẩm này không phải là ngoại lệ.  Piano và violin có một mối liên kết rất đặc biệt trong tác phẩm này, thể hiện rõ ở những cuộc đối thoại  giữa hai nhạc cụ. Sự sáng tạo độc đáo của Amy được kết tinh trong bản Romance này. Tác phẩm này được sáng tác dành riêng cho nghệ sĩ violin tài năng Maud Powell, cũng là một người bạn thân của Amy. Buổi ra mắt của bản Romance được chính Maud và Amy thể hiện, và đã được khán giả đón nhận nồng hậu. 

Là một trong những đại diện điển hình của phong cách Lãng mạn cuối thế kỷ XIX, Amy đã thể hiện rõ những đặc điểm nổi bật trong bản Romance. Cách bà sử dụng những sắc thái mạnh mẽ, giới hạn âm sắc của piano và violin cũng như cách hai nhạc cụ hoà quyện lại để tạo ra một giọng điệu duy nhất thật sự tuyệt đẹp. Sức quyến rũ của bản Romance có lẽ là một trong những điểm giá trị nhất của nó, với những đoạn nhạc lay động tâm hồn người nghe. Các đường nét giai điệu tinh tế nhưng mạnh mẽ được dẫn dắt bằng phần đệm phức tạp của piano.  Phần kết thúc của tác phẩm này như một sự lặp lại của phần đầu và dần dần kết thúc trên nốt chủ âm với một hợp âm rải piano rất đẹp. 

 

Nguồn: Edition Silvertrust & Illuminate Women’s Music

Người dịch: Võ Châu Duy Tâm

 

 


 

CLARA SCHUMANN (1819-1896)

Piano Trio in G minor, Op. 17 (1846)

Violin: Chương Vũ, Cello: Nguyễn Tấn Anh, Piano: Trần Ngọc Nguyên Trinh

 

“Tôi từng tin rằng bản thân có năng khiếu sáng tác nhưng tôi đã từ bỏ ý định đó vì một người phụ nữ không được phép có đam mê soạn nhạc - chưa từng có ai thực hiện được điều này cả. Liệu tôi có nên mong đợi rằng mình sẽ là trường hợp ngoại lệ?” - Clara Schumann, 1839. 

Clara Schumann trước hết là một nghệ sĩ piano. Trong nhiều thập kỷ liền, cô được xếp vào giới tinh hoa bậc nhất ở châu Âu, xứng đáng với danh xưng “Nữ hoàng Piano”. Nổi tiếng với kỹ thuật điệu nghệ, sự tinh tế cùng tài năng nghệ thuật trong việc diễn giải, Clara duy trì một sự nghiệp biểu diễn thành công trong hơn sáu mươi năm. Bà là một trong những người đầu tiên giới thiệu các tác phẩm của Chopin và Robert Schumann, đồng thời thỏa mãn sự thèm khát của công chúng với các tác phẩm lãng mạn đầy kỹ thuật, bằng cách khám phá lại di sản của nhà soạn nhạc cổ điển như Bach, Scarlatti, Beethoven và Schubert. Schumann cũng thường xuyên biên soạn các tác phẩm piano của riêng mình. Kĩ năng của cô với tư cách là một nhà soạn nhạc và một nghệ sĩ piano giúp cô chuẩn bị những biên khúc, chuyển soạn và các bản đánh giá tác phẩm tuyệt vời của Brahms, William Sterndale Bennett và Robert Schumann. Clara Schumann thực sự là một nghệ sĩ chuyên nghiệp toàn diện bậc nhất với sự giáo dục vượt trội được cha cô chỉ dẫn bao gồm: piano, violin, lý thuyết, hòa âm, phối khí, đối âm, tẩu pháp và sáng tác với những giáo viên giỏi nhất trên khắp nước Đức. 

Clara Schumann cũng cực kì xuất sắc trong việc đa nhiệm. Cô hết lòng tận tâm đối với cuộc hôn nhân cùng Robert Schumann, đặt nhu cầu công việc cũng như nhu cầu cá nhân của anh ấy lên trước bản thân dù cho việc đó đồng nghĩa với việc cô phải hy sinh thời gian để sáng tác và luyện tập. Ngoài việc tích cực hỗ trợ và tham gia vào đời sống nghệ thuật của Robert, Clara cũng thường quản lý công việc kinh doanh của chồng trong khi vẫn duy trì sự nghiệp biểu diễn của mình, từ đó trở thành trụ cột chính trong gia đình với tám đứa con của mình. Cuộc sống của Robert Schumann ngày càng khó khăn và cuối cùng trở nên bi thảm do chứng bệnh tâm thần suy nhược. Việc Clara có thể quản lý được tất cả những việc trên cũng như duy trì đời sống nghệ thuật cá nhân của riêng cô ấy với tư cách là một nghệ sĩ biểu diễn, sáng tác và học giả là một điều phi thường và là một minh chứng rõ ràng cho sức mạnh, tính cách và ý chí của cô ấy. Clara hưởng thọ hơn chồng mình 40 năm. Trong thời gian đó, cô ấy dừng sáng tác và tập trung hoàn toàn vào sự nghiệp của một nghệ sĩ piano, vun đắp một mối quan hệ sâu sắc, thuần khiết và đầy tính nghệ thuật với Brahms, đồng thời nuôi dạy cháu của mình. Cô trở thành một nhà đấu tranh tận tụy đối với tác phẩm của chồng mình.

Tam tấu piano giọng Sol thứ là một tác phẩm được biên soạn tinh xảo với dấu ấn dễ dàng được nhận ra với phong cách lãng mạn giao thoa cùng với sự tương đồng trong âm nhạc của Robert Schumann cũng như Felix Mendelssohn. Tác phẩm được viết khi Clara mang bầu đứa con thứ tư và không thể đi lưu diễn, từ đó có một khoảng thời gian “rảnh” dành cho sáng tác.  Chương sonata đầu tiên được trau chuốt nhưng vẫn đầy mạnh mẽ, quyết đoán trong khuôn nhạc của điệu thứ. Hai đoạn nhạc - một khúc scherzo nhẹ nhàng và một khúc  andante dịu dàng - đem đến sự ấm áp đầy trữ tình xen lẫn một chút bi ai, đặc biệt ở khúc giữa của chương. Khúc andante là một câu chuyện lãng mạn đầy cảm động và nuối tiếc, khơi gợi lên hình bóng của Robert và Johannes. Chương cuối thể hiện khả năng xử lý hình thức kịch tính tốt nhất của Schumann với các đặc điểm đối âm nổi bật. Mặc dù nét đặc trưng của toàn bộ tác phẩm là sự biểu cảm vừa đủ, nó vẫn khéo léo đem đến sự gần gũi của tam tấu piano với sự cân bằng đáng ngưỡng mộ, một kỳ công nghệ thuật đáng được khen ngợi đối với một nghệ sĩ dương cầm, một người phụ nữ cuối cùng đã theo đuổi niềm đam mê sáng tác của mình. 

 

Nguồn: Barbara Leish (Lễ hội âm nhạc Sebago-Long Lake)

Người dịch: Nguyễn Thị Khánh Linh

Comments are closed.