Beethoven: Piano Sonata VI: Tempest | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
Forest Harmony No. 2: GIEO | Giới thiệu tác phẩm
01/04/2024
Beethoven Piano Sonatas Cycle: Recital VI “TEMPEST” (23.03.2024)
04/05/2024

Beethoven: Piano Sonata VI: Tempest | Giới thiệu tác phẩm

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

Pianist: Nguyễn Đức Anh

Cuộc khủng hoảng điếc có ảnh hưởng mạnh đến khả năng đối diện với thế giới xung quanh của Beethoven, nhưng đồng thời, ông cũng đã tìm ra cách để bảo vệ thế giới sáng tạo bên trong khỏi những xâm phạm từ thế giới bên ngoài.

Có lẽ bệnh điếc đã cho Beethoven cách để chuyển hóa những nỗi đau mất mát, thiếu thốn tình yêu thương, để ông không còn biểu hiện nó bắng sự giận lẫy với người khác nữa mà biểu hiện bằng âm nhạc trong một thế giới cô đơn riêng mình. 

 


 

Piano Sonata No. 10 in G Major, Op. 14 No. 2 (1798-99)
Sonata cho Piano Số 10, Giọng Sol trưởng, Tập 14, Số 2

I. Allegro in G major
II. Andante in C major
III. Scherzo: Allegro assai in G major

Bản Sonata cho Piano giọng Sol trưởng, Tập 14, Số 2 của Ludwig van Beethoven, sáng tác vào năm 1798-1799, là hiện thân của tinh thần vui tươi và cách tân táo bạo của nhà soạn nhạc đối với hình thức âm nhạc cổ điển. Trong bản sonata này, Beethoven phá vỡ những kỳ vọng truyền thống, rót vào mỗi chương nhạc sự dí dỏm và bất ngờ thú vị.

Chương Allegro mở đầu mời gọi người nghe bước vào thế giới của sự quyến rũ tinh nghịch. Beethoven trêu chọc thính giác với những phách mạnh mơ hồ và các tiết tấu kỳ lạ, tạo nên cảm giác ngẫu hứng. Khi những mảnh vỡ giai điệu dần hội tụ thành một dòng chảy mạch lạc, chương nhạc được lấp đầy với năng lượng hân hoan. Phần phát triển của Beethoven ở chương này đặc biệt phức tạp, thể hiện sự tinh thông của ông trong việc biến đổi chủ đề. Chương nhạc kết thúc viên mãn bằng sự trở lại của chủ đề mở đầu.

Chương Andante thứ hai sử dụng cấu trúc chủ đề và biến tấu. Khởi đầu với một chủ đề kiêu hãnh, mang dáng dấp hành khúc, Beethoven giới thiệu ba biến tấu tinh nghịch, khám phá các sắc thái nhịp điệu và kết cấu một cách khéo léo. Các biến tấu ngày càng mang hơi hướng hiện đại và lôi cuốn, trước khi quay trở lại một cách hài hước với chủ đề ban đầu, kết thúc với một dấu ấn bất ngờ đậm chất Haydn.

Điều bất ngờ là chương cuối của sonata lại là một Scherzo (Allegro assai) mang phong cách đồng quê, thách thức quy ước khi được đặt ở vị trí chương cuối. Beethoven giới thiệu một chủ đề sôi động, đặc trưng bởi âm vực bàn phím rộng và những thay đổi bất chợt. Giữa bối cảnh rộn ràng ấy, một chủ đề tương phản dẫn hiện ra mang lại sự ấm áp và chiều sâu. Chương nhạc tràn ngập sự hài hước và hóm hỉnh, thể hiện sự sáng tạo táo bạo của Beethoven.

Xuyên suốt bản sonata, Beethoven hân hoan trong những trò đùa âm nhạc, thách thức người nghe với những nhịp điệu mơ hồ và lựa chọn cấu trúc bất ngờ. Sự sắp xếp độc đáo của sonata - một Allegro rực rỡ, một Andante uy nghiêm và một Scherzo tinh nghịch - thể hiện tinh thần sáng tạo của Beethoven và mong muốn vượt qua những ranh giới trong sáng tác cổ điển.

 


 

Piano Sonata No. 17 in D minor, Op. 31 No. 2 “Tempest” (1801-02)
Sonata cho Piano, giọng Rê thứ, Tập 31, Số 2 “Giông tố”

I. Largo – Allegro
II. Adagio (B♭ major)
III. Allegretto

Bản Sonata dành cho Piano số 17 giọng Rê thứ, Tập 31, Số 2 của Ludwig van Beethoven, còn được biết đến với tên gọi "Giông tố," mời gọi chúng ta bước vào một thế giới đầy biến động cảm xúc sâu sắc và cách tân nghệ thuật táo bạo. Được sáng tác trong khoảng thời gian 1801 đến 1802, giai đoạn đầy sóng gió trong cuộc đời Beethoven với chứng điếc ngày một trầm trọng và nỗi tuyệt vọng cá nhân, bản sonata này phản ánh sự bất ổn nội tâm và quyết tâm nghệ thuật kiên định của nhà soạn nhạc.

Cái tên "Giông tố" không phải do Beethoven đặt, mà qua chia sẻ của Anton Schindler rằng Beethoven đã đề cập đến vở kịch "Giông tố" của Shakespeare khi thảo luận về chương đầu tiên. Cho dù giai thoại này có chính xác hay không, bầu không khí của bản sonata thực sự gợi lên một câu chuyện kịch tính giống với những yếu tố hỗn loạn trong vở kịch của Shakespeare.

Chương đầu tiên Largo - Allegro mở đầu bằng một nét nhấn nhá mạnh mẽ - một hợp âm chủ bồi được tiếp nối bởi những hợp âm rải đầy biến động, gợi lên khung cảnh  bão táp đang hình thành - phải chăng là một sự gợi nhắc đến vở kịch của Shakespeare. Xuyên suốt chương nhạc, ta bắt gặp những đoạn nhạc giông tố tương phản với những khoảnh khắc tĩnh lặng kỳ lạ, giống như sự kiểm soát huyền bí của Prospero trong vở kịch. Phần phát triển của chương nhạc làm tăng cường độ xung đột trước khi được giải quyết rồi hóa  thành những đoạn tụng nga ám ảnh, thể hiện sự tinh thông của Beethoven trong việc biểu đạt tính kịch nghệ.

Trong chương thứ hai Adagio, Beethoven phác họa một sự tương phản cảm động - một cuộc đối thoại tĩnh lặng nhưng u sầu giữa piano và một cây sáo tưởng tượng. Âm nhạc đi qua các vùng đất của sự ấm áp, bóng tối và ma thuật, dệt nên tấm thảm của sự dịu dàng sâu sắc và mất mát. Khi chương nhạc mở ra, chiều sâu cảm xúc của Beethoven trở nên rõ ràng, lên đến đỉnh điểm trong một kết thúc ám ảnh, khắc sâu vào tâm hồn, có lẽ phản ánh những cuộc đấu tranh nội tâm của chính Beethoven trong thời kỳ này.

Chương cuối Allegretto, đẩy chúng ta vào một hành trình thót tim đầy lắng lo và bất ổn. Âm nhạc chuyển động không ngừng nghỉ, được đặc trưng bởi những tăng giảm mạnh nhẹ liên tục trong cường độ và nhấn nhá mạnh mẽ bất ngờ, phản ánh sự bất ổn sâu bên trong và tinh thần bất khuất của Beethoven. Giữa cơn bão, có những thoáng nghỉ ngơi ngắn ngủi, nhưng tâm trạng chủ đạo vẫn là năng lượng bất an và căng thẳng không ngừng. Cách sử dụng các chủ đề phát triển và cấu trúc piano phức tạp của Beethoven càng làm tăng thêm cường độ của chương nhạc, lên đến đỉnh điểm trong một kết thúc mạnh mẽ đầy nội tâm.

Bản sonata này, dù cho thường bị lu mờ bởi những tác phẩm hoành tráng sau này của Beethoven, vẫn là minh chứng rực rỡ về sự am hiểu bậc thầy của ông về hình thức âm nhạc và cảm xúc. Xuyên suốt bản Sonata “Giông tố", cách sử dụng hòa âm, cấu trúc và kết cấu sáng tạo của Beethoven vượt qua các hình thức cổ điển truyền thống, báo trước kỷ nguyên Âm nhạc Lãng mạn sắp đến.

 


 

Piano Sonata No. 25 in G Major, Op. 79 (1809)
Sonata cho piano, Số 25, Giọng Sol trưởng, Tập 79

I. Largo – Allegro
II. Adagio (B♭ major)
III. Allegretto

Bản Sonata Piano số 25 giọng Sol trưởng, Tập. 79 của Ludwig van Beethoven, mang đến một hành trình thú vị xuyên qua những khung cảnh âm nhạc đa dạng, thể hiện sự pha trộn độc đáo giữa nét duyên dáng, thanh lịch và dí dỏm của Beethoven.

Chương đầu tiên, Presto alla tedesca, là một trong những chương mở đầu ngắn nhất của Beethoven. Nó mở ra với một mô típ ba nốt thôi miên (Sol, Si giáng, Sol), được lặp lại xuyên suốt để tạo ra một điệu nhảy dân dã và sôi nổi. Chương nhạc này gợi nhớ đến điệu valse theo phong cách Đức (Teutscher), toát lên sự nhẹ nhàng và tinh nghịch, gợi lên hình ảnh của một điệu nhảy dân gian sôi động. Cách sử dụng lặp lại và nhịp điệu sôi động của Beethoven mang đến cho chương nhạc này một nét quyến rũ và bồng bềnh.

Chương thứ hai, Andante, là một khúc đệm dịu dàng và giàu cảm xúc. Với những giai điệu thân mật và cảm xúc được kiềm chế, Beethoven mời gọi chúng ta bước vào một cuộc đối thoại thanh thản tựa như song tấu. Tại đây, âm nhạc truyền tải cảm giác hướng nội và bộc lộ chân thành. Phần giữa chuyển sang một chủ đề mang chút âm hưởng Khúc hát người chèo thuyền, mang đến khoảnh khắc nhẹ nhõm vui tươi trước khi trở lại bầu không khí u sầu ban đầu, để lại ấn tượng cảm xúc sâu sắc.

Chương cuối, Vivace, là một khúc vui tươi và náo nhiệt. Beethoven tinh nghịch khám phá một chủ đề từ tác phẩm trước đó của mình, lồng ghép nó với những đoạn hài hước và phô diễn kỹ thuật. Chương nhạc này lấp lánh sự sống động và dí dỏm, thể hiện sự tinh thông của Beethoven trong đối thoại âm nhạc và biến tấu chủ đề. m nhạc nhảy múa qua những đoạn nhạc sôi động, được đánh dấu bằng những khoảnh khắc mỉa mai thú vị, trước khi lên đến đỉnh điểm trong một kết thúc ngắn gọn và bất ngờ.

Được sáng tác vào năm 1809 trong giai đoạn hỗn loạn bởi cuộc xâm lược của Napoleon, Tập 79 phản ánh sự gắn kết của Beethoven với phong cách galant và ảnh hưởng từ các tác phẩm nhạc cụ phím của Carl Philipp Emanuel Bach. Được xuất bản dưới dạng "Sonatina", được cho rằng dự tính làm quà tặng cho Therese Malfatti, Tập 79 minh chứng khả năng cân bằng giữa sự thanh lịch và tính mô phạm của Beethoven, mang đến cho người nghe một trải nghiệm âm nhạc nhỏ gọn nhưng sâu sắc.

Khi khám phá Bản Sonata Piano số 25 của Beethoven, chúng ta sẽ gặp phải một lăng kính vạn hoa cảm xúc, từ nét duyên dáng mộc mạc và trữ tình nội tâm đến sự vui tươi hân hoan. Thông qua cấu trúc súc tích và đầy tính tưởng tượng, Tập 79 thể hiện sự khéo léo và tính linh hoạt trong âm nhạc của Beethoven, để lại cho chúng ta ấn tượng sâu sắc về tài năng sáng tạo và tầm nhìn nghệ thuật của ông.

 


 

Piano Sonata No. 31 in A-flat Major, Op. 110 (1821)
Sonata cho piano, Số 31, Giọng La giáng trưởng, Tập 110

I - Allegretto ma non troppo (A Major)
II - Vivace alla marcia (F Major)
III - Adagio, ma non troppo, con affetto (A minor)
IV - Allegro (A Major)

Bản Sonata dành cho Piano số 31 giọng La giáng trưởng, Tập 110 của Ludwig van Beethoven, sáng tác vào năm 1821-1822, đại diện cho đỉnh cao của chiều sâu cảm xúc và cách tân nghệ thuật trong những sonata dành cho piano sau này của Beethoven. Tác phẩm này đi qua một loạt trải nghiệm phi thường của con người, từ tuyệt vọng sâu sắc đến niềm vui thăng hoa, gói gọn sự tiến hóa về âm nhạc và tinh thần của Beethoven.

Chương đầu tiên, Moderato cantabile molto espressivo (rất biểu cảm, du dương vừa phải), lột tả cảm giác hướng nội yên bình và vẻ đẹp trữ tình. Chất liệu chủ đề của Beethoven mở ra với sự đơn giản dễ hiểu, dần dần phát triển thành một tấm thảm phong phú của những khám phá trong hoà âm và sự ấm áp từ giai điệu. Bất chấp nhịp độ vừa phải, chương nhạc tràn ngập cường độ cảm xúc, đặt nền tảng cho hành trình cảm xúc sâu sắc sắp diễn ra.

Trái ngược hoàn toàn chương đầu tiên, chương thứ hai, Allegro molto (Rất vui tươi), là một scherzo sôi động và kỳ lạ. Ẩn chứa những nhịp điệu đảo phách và những bất ngờ về cường độ, chương nhạc này kết hợp các yếu tố của giai điệu dân gian, truyền vào tác phẩm sự hân hoan tinh nghịch và những khúc quanh bất chợt.

Điểm nhấn của sonata là chương ba phi thường, sự pha trộn liền mạch giữa chương chậm và fugue. Mở đầu với một đoạn tụng niệm sâu sắc, Adagio, ma non troppo (Chậm rãi, nhưng không quá mức), âm nhạc chuyển sang giai điệu Arioso đẹp ám ảnh và hướng nội. Aria buồn bã này nhường chỗ cho một fugue ba giọng đầy tính khải hoàn, Allegro, ma non troppo (Vui tươi, nhưng không quá mức), thể hiện sự tinh thông của Beethoven về kỹ thuật đối vị và diễn đạt kịch tính. Fugue phát triển, mạnh dần lên đến đỉnh điểm và đảo ngược chủ đề, tượng trưng cho bóng tối vươn mình bước ra ánh sáng.

Sonata Tập 110 của Beethoven là minh chứng cho cách tiếp cận đầy viễn kiến của ông đối với hình thức và biểu đạt âm nhạc. Trong tác phẩm này, ảnh hưởng của Baroque hòa quyện với cảm xúc lãng mạn, tạo nên một bản soạn nhạc vượt qua ranh giới phong cách. Hành trình cảm xúc từ tuyệt vọng đến cứu chuộc, được thể hiện qua các mô típ âm nhạc và tiến trình hòa âm, mang đến cho người nghe một trải nghiệm sâu sắc và biến chuyển phong phú.

 

Người tổng hợp: Bùi Thảo Hương

Comments are closed.